Hai nhà máy lọc dầu lớn nhất Arab Saudi cuối tuần trước bị tấn công, khiến không ít nhà quan sát lo sợ nó có thể là mồi lửa châm ngòi cho "thùng thuốc súng" ở Trung Đông. Nỗi lo ngại càng lớn hơn khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết cho rằng Iran đứng sau sự việc, trong khi Tehran phủ nhận mọi cáo buộc.
Giới quan sát cho rằng "thùng thuốc súng" có phát nổ hay không phụ thuộc rất lớn vào phản ứng của ba nước Arab Saudi, Iran và Mỹ, những quốc gia đều có lợi ích lớn trong việc tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực.
Khói đen bốc lên từ nhà máy dầu ở Abqaiq, Arab Saudi, sau vụ tấn công ngày 14/9. Ảnh: AFP.
Theo Austin Carson, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, Arab Saudi chắc chắn không muốn dùng biện pháp quân sự trả đũa công khai Iran khi không có những bằng chứng xác đáng về vai trò của Tehran trong sự việc.
Giới chức Riyadh được cho là chưa bị thuyết phục bởi những thông tin tình báo được phía Mỹ chia sẻ, trong đó cho rằng tên lửa nhắm vào nhà máy dầu Arab Saudi được phóng từ lãnh thổ Iran. Giới phân tích cho rằng điều này phản ánh cách tiếp cận cẩn trọng của Riyadh đối với vấn đề.
Vụ tấn công đã cho thấy các nhà máy lọc dầu chiến lược của Arab Saudi dễ tổn thương đến mức nào trước các đòn tấn công của đối phương. Bởi vậy, Riyadh có lẽ không muốn đối diện với một kịch bản xung đột leo thang thành chiến tranh và hứng chịu tổn thất nặng nề từ các đòn tập kích bằng tên lửa của Iran vào cơ sở hạ tầng chiến lược của mình.
Sự ổn định chính trị và xã hội của Arab Saudi cũng là một yếu tố mà giới lãnh đạo nước này cần cân nhắc khi mà mối đe dọa bất ổn nội bộ từ cộng đồng người thiểu số Shiite vẫn luôn hiện hữu.
Dù chi tiêu lớn cho quân sự, Arab Saudi vẫn không thể thắng thế trong cuộc xung đột tại Yemen, vốn ít nguy hiểm và phức tạp hơn nhiều so với tình hình Iran. Vì vậy, dù Riyadh ủng hộ nhiệt tình chiến lược "gây áp lực tối đa" lên Tehran, họ chắc chắn không mong muốn một cuộc chiến tranh thực sự nổ ra.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại ngay lập tức đổ lỗi cho Iran sau khi có thông tin về vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu. Mỹ sau đó mới công bố những thông tin tình báo và ảnh vệ tinh để hỗ trợ cho cáo buộc của ông. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng cộng đồng tình báo Mỹ đã biết về cuộc tấn công trước khi nó xảy ra hoặc đã xác định cụ thể được bên chịu trách nhiệm thông qua những bằng chứng chưa công khai.
Nhưng điều gây bất ngờ là trong dòng tweet về cuộc tấn công tối 15/9, Tổng thống Donald Trump lại không nêu tên Iran và giao trọng trách quyết định phản ứng như thế nào vào tay Arab Saudi, chứng tỏ quan điểm của Washington về cách đối phó với Tehran chưa thực sự rõ ràng.
Đổ lỗi cho Iran dường như là cách để Mỹ chuẩn bị cho những động thái đáp trả bằng vũ lực. Ngay cả khi không trả đũa quân sự, Nhà Trắng có lẽ tin rằng việc quy kết trách nhiệm sẽ giúp chứng minh tính đúng đắn của chiến lược "gây áp lực tối đa" lên Iran bằng các biện pháp trừng phạt.
Theo bình luận viên Gideon Rachman từ Financial Times, nếu Mỹ vẫn tiếp tục kiên quyết cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công, họ sẽ đáp trả bằng hành động quân sự. Nhưng các lãnh đạo Mỹ có thể sẽ phải cân nhắc kỹ trước thực tế rằng vụ tấn công vào hai nhà máy lọc dầu ở Arab Saudi đã khiến giá dầu thế giới tăng 20%. Một cuộc xung đột quy mô lớn với Iran nhiều khả năng sẽ gây xáo động lớn hơn nhiều với thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tầm quan trọng của dầu mỏ Vùng Vịnh đối với toàn cầu đã được minh chứng rõ nét qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ra quyết định ngừng xuất khẩu dầu sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, cụ thể là Mỹ. Nó khiến giá dầu tăng gấp 4 lần, tác động nghiêm trọng tới các thị trường và nền kinh tế thế giới.
Gần 30 năm sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh đầu tiên, các nền kinh tế phương Tây đã giảm bớt tương đối khả năng bị tổn thương khi nguồn dầu từ khu vực bị gián đoạn. Mỹ đã gia tăng sản xuất dầu đá phiến dẫn tới việc lượng dầu Mỹ nhập khẩu từ Arab Saudi giờ đây chỉ bằng 1/3 so với năm 2003.
Nhưng ít bị tổn thương hơn không đồng nghĩa với bất khả xâm phạm. Arab Saudi vẫn là nhà xuất khẩu dầu số một thế giới nên nếu nguồn cung từ nước này bị gián đoạn, người tiêu dùng và các ngành công nghiệp toàn cầu sẽ nhanh chóng cảm nhận được tác động.
Iran cũng có lý do để tránh một cuộc xung đột toàn diện, thứ sẽ khiến nước này phơi mình trước hỏa lực từ các quốc gia láng giềng được vũ trang tốt ở Vùng Vịnh và trên hết là các cuộc tấn công từ Mỹ.
Những tháng qua, Iran đã thực hiện hàng loạt động thái khiêu khích như bắt tàu dầu phương Tây hay khuyến khích phiến quân Houthi ở Yemen tấn công các mục tiêu mềm tại Arab Saudi. Nhưng các nhà quan sát phương Tây đánh giá những hành động đó chỉ là một phần trong nỗ lực của Iran nhằm chứng minh rằng họ không bất lực trước các đòn trừng phạt. Người Iran dường như còn muốn giành đòn bẩy lợi thế trước các cuộc đàm phán có thể được nối lại trong tương lai với Mỹ.
Nhìn chung, tất cả các bên liên quan đều có những lợi ích kinh tế và chiến lược khiến họ không muốn mạo hiểm sa chân xuống bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, lãnh đạo ba nước cũng nhiều lần thể hiện tính thất thường và cảm tính trong các quyết định, nên nguy cơ tính toán sai lần dẫn đến thổi bùng xung đột chưa hoàn toàn bị xóa bỏ, Rachman nhận xét.
Arab Saudi đã cho thấy khuynh hướng dễ đưa ra quyết định sai lầm của mình qua quyết định can thiệp quân sự vào Yemen hồi năm 2015 và hậu quả là những bất ổn hiện nay họ phải đối mặt. Với Iran, nếu thực sự ra lệnh tiến hành cuộc tấn công nhằm vào nhà máy dầu Arab Saudi, Tehran đã chấp nhận rủi ro với những hệ quả khó kiểm soát.
Trong khi đó, Tổng thống Trump sẵn sàng xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng sau đó lại sa thải cố vấn "diều hâu" nhất của mình về vấn đề Iran. Những hành động này cho thấy dường như bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng đang hỗn loạn về chính sách Iran.