Dân Việt

TIẾT LỘ: Liên Xô từng đưa quân đánh Iran khi phát xít Đức tiến sát Moscow

Trung Hiếu 19/09/2019 08:31 GMT+7
Khi tình hình Liên Xô rất nguy ngập trong thời điểm phát xít Đức đã tới cửa ngõ Moscow, vì sao Liên Xô vẫn bố trí lực lượng đánh chiếm Iran?

Quân đội Liên Xô và Anh gặp nhau lần đầu tiên không phải ở Wismar vào tháng 5/1945 như nhiều người vẫn nghĩ. Thực tế vào năm 1941 họ cùng nhau đưa quân đánh chiếm Iran và quản lý các vùng khác nhau của quốc gia Trung Đông này.

img

Quân đội Liên Xô tiến vào Iran năm 1941. Ảnh: Sputnik.

Đức giành thắng lợi liên tiếp nhưng Iran lại thân Đức

Vào mùa hè năm 1941, quân đội Đức Quốc xã đã đánh chiếm hầu hết vùng Baltic, đất nước Byelorussia (thành viên của Liên Xô), một nửa Ukraine (cũng thuộc Liên Xô), tiến sát Leningrad (nay là Saint Petersburg) và hướng về Moscow, thủ đô của Liên bang các nước Cộng hòa XHCN Xô viết. Tình hình Liên Xô lúc đó rõ ràng là nguy ngập nhưng ngạc nhiên thay, giới lãnh đạo quốc gia này vẫn quyết định mở một mặt trận ở cách xa châu Âu hàng ngàn dặm, đó là mặt trận chống lại Iran.

Khi ấy Iran gây quan ngại nhiều cho các nước đồng minh. Dù Iran tuyên bố trung lập, đất nước lại có quan điểm thân Đức rất rõ. Đệ tam Đế chế (tức phát xít Đức) có ảnh hưởng vô cùng lớn lên nền chính trị và kinh tế của Iran. Thời đó một chiến dịch tình báo quy mô lớn của Đức được triển khai ở Iran. Nhà lãnh đạo Iran Reza Shah Pahlavi đã khước từ mọi lời cầu khẩn của Anh và Liên Xô về việc trục xuất vô số công dân Đức.

Thực tế trên là điều không thể chấp nhận được với phe Đồng minh, nhất là khi có một tuyến đường vận chuyển quan trọng đi qua lãnh thổ Iran, thông qua hành lang mang tên Ba Tư. Nhằm loại bỏ khả năng Iran có thể hỗ trợ hoặc thậm chí trực tiếp tham gia các nỗ lực chiến tranh của phe Trục (phe phát xít), phe Đồng minh nhất trí sẽ cố gắng đặt Iran dưới sự kiểm soát của mình cho đến cuối Thế chiến 2.

img

Xe tăng quân Anh cũng tiến vào Iran năm 1941. Ảnh: Public Domain.

Vào ngày 25/8/1941, quân đội Anh và Liên Xô cùng mở cuộc tiến công quân sự để đánh chiếm Iran. Chiến dịch này mang tên Countenance.

Liên Xô có lý do hợp pháp để mở cuộc đánh chiếm này và họ không tuyên chiến với Iran. Liên Xô vận dụng hiệp ước Nga-Ba Tư năm 1921 với nội dung: “Nếu một bên thứ 3 muốn sử dụng lãnh thổ Ba Tư (tức Iran) làm căn cứ cho các hoạt động quân sự chống Nga, Nga sẽ có quyền tiến quân vào lãnh thổ Ba Tư với mục đích tiến hành các hoạt động quân sự cần thiết cho việc phòng vệ của mình”.

Quân đội Liên Xô và Anh nhanh chóng đè bẹp quân đội Iran

Quân đội Iran bị áp đảo về số lượng không còn mấy cơ hội chống trả khi Liên Xô và Anh bất ngờ tung quân vào Iran, thực hiện đổ bộ đường không ở sau lưng đối phương. Không quân Đồng minh thống trị tuyệt đối bầu trời Iran. Quân đội Iran chỉ kháng cự được vào vài ngày đầu, sau đó nhanh chóng rơi vào trạng thái chiến đấu hỗn loạn và cuối cùng đầu hàng hàng loạt.

Chứng kiến quân đội của mình thất bại liên tiếp trên tất cả các mặt trận, ban lãnh đạo Iran khi đó ra lệnh cho họ hạ vũ khí vào ngày 29/8/1941. Ngày hôm sau Anh và Liên Xô hội quân ở Sanandaj. Vào ngày 31/8/1941, họ bắt tay nhau ở Qazvin, cách thủ đô Tehran 161km.

Vào ngày 15/9/1941, quân Đồng minh tiến vào Tehran. Tại đây họ tổ chức một cuộc diễu binh chung.

img

Binh sĩ Liên Xô và Anh cười nói vui vẻ với nhau khi ở trên đất Iran. Ảnh: Public Domain.

Toàn bộ chiến dịch này đã khiến phía Liên Xô tổn thất 40 binh sĩ, phía Anh con số tử sĩ là 22.  Trong khi đó, phía Iran mất tới hơn 800 lính. Trong các cuộc ném bom của phe Đồng minh nhằm vào các thành phố Irean, 200 dân thường đã thiệt mạng.

Quân đội Xô viết chiếm vùng phía bắc của đất nước này, quân Anh chiếm vùng phía nam và tây nam. Iran có một nhà lãnh đạo mới. Quốc vương Reza Shah Pahlavi thoái vị nhường ngôi cho con trai Mohammad Reza Pahlavi – dưới sự chỉ đạo của vị này, Iran tuyên chiến với Đức. Điều này tạo điều kiện cho Hành lang Ba Tư hoạt động trơn tru, cũng như cho phép hiện thực hóa việc đăng cai hội nghị lãnh đạo phe Đồng minh ở Tehran vào năm 1943.

Phe Đồng minh thống nhất rằng quân đội của họ rời khỏi Iran vào thời điểm 6 tháng sau khi chiến tranh kết thúc.

Mặc dù nước Anh rút quân đúng lịch trình, phía Liên Xô lại không vội vã. Lãnh tụ Xô viết Stalin đã tích cực hỗ trợ cho sự ra đời trong lòng Iran 2 quốc gia thân Liên Xô, là Cộng hòa Nhân dân Azerbaijan và Cộng hòa Mahabad của người Kurd – 2 quốc gia này đều nằm ở miền bắc Iran.

Động thái trên của Liên Xô đã vấp phải phản ứng ngoại giao gay gắt từ Mỹ và phương Tây. Về sau Liên Xô lùi bước trước áp lực và bỏ rơi 2 quốc gia tự phong này. Thời gian ngắn sau đó, quân đội Iran giành lại quyền kiểm soát đối với toàn bộ lãnh thổ miền bắc của Iran.