Bán đảo Triều Tiên đang đứng bên bờ vực của một cuộc đối đầu quân sự mới. Mỹ và Triều Tiên liên tục đưa ra những tuyên bố hủy diệt lẫn nhau. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ hủy diệt toàn bộ Triều Tiên nếu phải tự vệ hoặc để bảo vệ đồng minh.
Đáp lại, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho, lên án những phát biểu của Tổng thống Trump. Ông coi đây chính là tuyên bố chiến tranh và Triều Tiên có quyền bắn hạ máy bay Mỹ, ngay cả khi các phi cơ không đi vào không phận nước này.
Một ngày sau, Triều Tiên đã điều máy bay đến vùng biển phía đông và tiến hành các biện pháp phòng vệ khác. Trước đó, Mỹ đã điều động máy bay ném bom B-1B Lancer đến bán đảo Triều Tiên.
Trong quá khứ, đụng độ trên không giữa Triều Tiên và Mỹ đã từng xảy ra.
Theo ABC News, ngày 15/4/1969, máy bay do thám EC-121M, thuộc phi đội trinh sát không lưu VQ-1, Hải quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Atsugi, Nhật Bản. Máy bay sử dụng mã liên lạc Deep Sea 129. Nó được giao nhiệm vụ thu thập thông tin tín hiệu điện tử trên khu vực biển Nhật Bản.
Máy bay do thám EC-121 trong một sứ mệnh trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: USAF.
Phi cơ EC-121 bay theo lộ trình hướng đến gần cảng Vladivostok, căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Liên Xô. Sau đó, nó quay về bay dọc theo bờ biển phía đông Triều Tiên để quay về hạ cánh ở căn cứ Osan, Hàn Quốc.
Phi đội VQ-1 đã thực hiện hơn 200 sứ mệnh theo lộ trình như vậy mà không gặp bất kỳ sự cố nào nhưng biến cố lớn đã xảy ra ngày hôm đó. Khi quay về bay dọc theo bờ biển phía đông Triều Tiên, EC-121 bay cách bờ biển Triều Tiên khoảng 120 km và bắt đầu hoạt động thu thập thông tin tình báo.
Khoảng 12h30, biên đội tiêm kích MiG-21 của Triều Tiên cất cánh từ Wonson hướng đến vị trí của máy bay Mỹ. Sự xuất hiện của MiG-21 không nhận được sự quan tâm của radar trinh sát Mỹ bố trí tại Hàn Quốc.
EC-121 đã bay theo lộ trình này trong 2 năm trước khi bị bắn hạ. Đồ họa: NBC News.
Đến 13h, phi hành đoàn EC-121 liên lạc với căn cứ nhưng không được thông báo gì về việc MiG-21 của Triều Tiên đang tiếp cận. MiG-21 bay với tốc độ siêu âm dễ dàng đuổi kịp EC-21 không được vũ trang và không có chiến đấu cơ hộ tống.
Khoảng 13h47, chiếc EC-121 biến mất khỏi màn hình radar ở trung tâm kiểm soát không lưu của Mỹ tại Hàn Quốc. Tình báo Mỹ sau đó xác nhận MiG-21 của Triều Tiên đã bắn hạ EC-121 khiến toàn bộ phi hành đoàn 31 người thiệt mạng.
Chi tiết của vụ bắn hạ không được tiết lộ với công chúng. Tuy nhiên, một số nguồn tin giả định rằng một tên lửa không đối không được phóng đi từ MiG-21 đã bắn rơi phi cơ do thám của Mỹ. Hai tiếng sau vụ tấn công, truyền thông Triều Tiên phát sóng bản tin tố cáo máy bay Mỹ xâm phạm không phận nước này và ca ngợi chiến công bắn hạ nó.
Chính quyền Tổng thống Richard Nixon vô cùng tức giận với vụ bắn hạ và ra lệnh chuẩn bị tấn công đáp trả. Một loạt các giải pháp quân sự được nêu ra, trong đó có cả tấn công Bình Nhưỡng bằng bom hạt nhân chiến thuật.
Bruce Charles, cựu phi công Mỹ tại Hàn Quốc nhớ lại rằng lúc đó một quả bom hạt nhân chiến thuật đã được lắp trên máy bay của ông và sẵn sàng chờ lệnh. Tuy nhiên, không có giải pháp đáp trả Triều Tiên nào được tiến hành.
Chính quyền Nixon mới nhậm chức được cho là có quá ít thông tin về lực lượng Mỹ tại bán đảo Triều Tiên, cũng như thiếu sự kết nối với các nước đồng minh trong khu vực. Điều duy nhất mà Mỹ có thể làm lúc đó là tiếp tục duy trì các chuyến bay do thám để chứng minh rằng họ không bị đe dọa bởi bất kỳ ai.