Trang trại của ông Tuân là một trong những địa điểm đầu tiên được thử nghiệm vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Dù bị dịch từ tháng 4/2019 nhưng đến nay gia đình ông Lương Văn Tuân vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch của Nhà nước khoảng trên 300 triệu đồng. Hiện, gia đình ông đang phải gánh số nợ lên đến hàng tỷ đồng, trung bình mỗi tháng ông Tuân phải đi làm thuê ngoài trả lãi trên 10 triệu đồng.
Ông Tuân cho biết, sau khi bị dịch mất 1/4 đàn lợn, ông rất nóng lòng, lo tìm cách giữ những con lợn còn lại. Đúng lúc đó, ông được người quen giới thiệu nên đã tìm đến gặp một vị tiến sĩ ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam và được hướng dẫn tiêm thử nghiệm một loại vắc xin được cho là vắc xin dịch tả lợn châu Phi mà vị này mới nghiên cứu, điều chế ra.
“Lúc trước tôi có 58 con nái và 270 con lợn choai lẫn lợn con. Khi lợn bị ốm tôi lấy máu của 3 con đi xét nghiệm ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì được biết là dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Thời điểm đó, địa phương đã cho người đưa đi tiêu hủy những con lợn bị nhiễm dịch. Số lợn còn lại khoảng 18 con lợn nái và 25 con lợn thịt tôi được thầy Phan ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ tiêm vắc xin ngay" - ông Tuân nhớ lại.
Cụ thể, ngày 7/5, TS Lê Văn Phan và một số sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã về trang trại của ông Tuân và tiến hành tiêm mũi vắc xin đầu tiên. Sau khi tiêm nhiều con lợn trong trại đã bắt xuất hiện dấu hiệu ốm, bỏ ăn, khoảng hơn 10 ngày sau đoàn về lấy mẫu thì 7 con cả lợn nái lẫn lợn thịt đều đã dương tính với dịch tả lợn châu Phi nên ông tiếp tục đưa đi tiêu hủy. Còn lại 11 con nái không bị nhiễm dịch tiếp tục được tiêm mũi vắc xin thứ hai vào ngày 26/5 và tiếp đó 15 ngày sau đàn lợn được tiêm tiếp mũi thứ ba.
"Hiện, tất cả đàn lợn giống, lợn nái đều khỏe mạnh và con nái còn sống sót đến nay đều đã đẻ thuận lợi. Trong đó, số lợn thịt choai được tiêm thử nghiệm mũi vắc xin đầu tiên khoảng 25 con giờ sắp được tuổi xuất chuồng…" - ông Tuân chia sẻ.
Các con lợn nái tại trang trại của ông Tuân được tiêm vắc xin đến giờ vẫn khỏe mạnh và sinh sản bình thường.
Theo ông Tuân, gần cuối tháng 8 vừa rồi, đàn lợn thịt khoảng 34 con của ông tiếp tục được tiêm vắc xin và đến giờ các con lợn này vẫn khỏe, ăn uống bình thường.
"Khi tiêm xong vắc xin cũng có một số con lợn giống khoảng trên dưới 10kg có dấu hiệu sốt và tím tái người, nghi bị sốc thuốc nên tôi lấy nước dội lên người thì chúng lại tỉnh và hôm sau ăn uống bình thường" - ông Tuân tiết lộ.
Theo ông Tuân, về lâu về dài thì khó nói trước được điều gì nhưng tạm thời trước mắt gia đình ông thấy việc tiêm vắc xin đã và đang mang lại hiệu quả khá tích cực. "Các con lợn bị nhiễm dịch chết trước đó ở cùng ô chuồng với các con được tiêm vắc xin nhưng đến giờ chúng vẫn khỏe mạnh và sinh sản bình thường, có thể việc tiêm vắc xin này bước đầu đã có hiệu quả" - ông Tuân khẳng định.
Các ô chuồng nái bị dịch tại trại của ông Tuân vẫn để trống.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Tôn - Chủ tịch UBND xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ khẳng định, một số người tự xưng là các cán bộ, giảng viên ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam về sử dụng, tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của gia đình anh Lương Văn Tuân không thông qua xã mà làm việc trực tiếp với chủ hộ trên.
Theo ông Tôn, sau khi đàn lợn của gia đình ông Tuân bị nhiễm dịch được địa phương đưa đi tiêu hủy đến lần thứ tư và sau đó xã cũng vận động chủ hộ này nên tiêu hủy hết lợn để bảo đảm an toàn nhưng ông Tuân kiên quyết xin giữ lại các con lợn này để tiêm thử nghiệm vắc xin thì xã mới phát hiện ra vụ việc.
"Hiện, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi sát trang trại của gia đình ông Tuân. Nếu đàn lợn tại trại này có biểu hiện bất thường hay bị nhiễm dịch thì địa phương sẽ yêu cầu chủ trang trại này chủ động đưa đi tiêu hủy theo quy định (chủ hộ tự chịu chi phí tiêu hủy) như đã cam kết với xã trước đó" - ông Tôn khẳng định.
Các con lợn thịt được tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi đến giờ vẫn khỏe mạnh và sắp được xuất chuồng.
Theo ông Tuân, hiện trại của ông đang chuẩn bị xuất chuồng hàng trăm con lợn thịt.
Theo quan sát của PV Dân Việt, tại các ô chuồng lợn thịt của gia đình ông Tuân vẫn có một số con lợn có biệu hiện ốm, trên thân, người một số con lợn còn xuất hiện nhiều vết, nốt đỏ, tím...
Ông Tuân vẫn tin tưởng loại vắc xin dịch tả lợn châu Phi này sẽ mang lại hiệu quả tích cực giúp đàn lợn của ông thoát "án tử".
Các dãy chuồng chống lợn đã được ông Tuân phun tiêu độc, sát trùng và rắc vôi cẩn thận.
Theo ông Tuân, nếu hết dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông sẽ tiếp tục nhân đàn lợn nái để kinh doanh lợn giống.