Ngày 17/9, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ đề xuất bổ sung thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm vào dự thảo Bộ luật Lao động nhằm giúp người lao động tái tạo sức lao động.
Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam cho rằng, đề xuất này đem lại lợi ích cho người lao động, cần được ủng hộ vì số ngày nghỉ lễ ở Việt Nam hiện nay là 10 ngày, thấp nhất khối ASEAN.
Tuy nhiên, ông Thọ phân vân, số đông người lao động Việt Nam hiện thu nhập còn thấp nên nhiều người vẫn có nhu cầu làm việc hơn là nghỉ ngơi nên họ sẽ đăng ký làm thêm. Cùng với đó, việc người lao động có nhiều ngày nghỉ sẽ khiến doanh nghiệp tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh. "Việc tăng ngày nghỉ giúp người lao động tái tạo sức khỏe để làm việc chứ không tăng năng suất lao động", ông Vũ Quang Thọ nói.
Công nhân khắc phục sự cố rò rỉ đường ống nước sông Đà. Ảnh: Gia Chính.
Cũng ủng hộ việc tăng thêm ngày nghỉ trong năm song chuyên gia lao động Hà Đình Bốn nhận xét, đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm là quá nhiều, chỉ nên tăng thêm một ngày. "Mỗi lần điều chỉnh số ngày nghỉ, Quốc hội chỉ cân nhắc tăng thêm một ngày để không gây xáo trộn, ảnh hưởng nền kinh tế, xã hội", ông Bốn nêu ý kiến.
Phụ trách công đoàn của doanh nghiệp với 12.000 lao động, bà Trần Quý Dân, Chủ tịch công đoàn Tổng công ty May 10, nhận định, người lao động được nghỉ là rất phấn khởi vì số ngày nghỉ lễ còn ít. Do đó, nếu được nghỉ dài ngày hơn thì Nhà nước nên tăng ngày nghỉ vào các đợt nghỉ đã có như ngày 2/9 hay Tết dương lịch để ngày nghỉ được kéo dài, thuận lợi cho người lao động về thăm quê hay đi chơi.
Tuy nhiên, bà Dân cũng cho rằng, với các doanh nghiệp làm việc theo mùa vụ như ngành dệt may, da giày nếu nghỉ dài sẽ ảnh hưởng đến việc giao hàng xuất khẩu.
Về phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ Phó Pháp chế cho hay, Bộ đánh giá số ngày nghỉ trong năm của người lao động Việt Nam còn thấp nên Ban soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã nghiên cứu đề xuất thêm ngày nghỉ 27/7, song chưa nhận được đồng tình của Quốc hội. Hiện nay dự thảo luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội nên việc bổ sung thêm ngày nghỉ hay không thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất nghỉ thêm 3 ngày thì cơ quan này phải đánh giá được tác động, ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế, xã hội. "Công tác đánh giá tác động của phương án nghỉ này chưa có, trong khi dự thảo Bộ Luật lao động sắp được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông băn khoăn.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, lao động trong nhiều ngành kinh tế của Việt Nam chủ yếu là lao động di cư nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết. Cơ quan này đã đề xuất phương án một là nghỉ Quốc khánh 4 ngày, từ 2 đến 5/9 hàng năm. Phương án hai là nghỉ thêm 2 ngày vào dịp Tết Dương lịch (từ ngày 1 đến 3/1) và nghỉ một ngày vào ngày gia đình VN (28/6). Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực, như Camphuchia nghỉ 28 ngày, Brunei là 15 ngày, Indonexia là 16 ngày, Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày... |