Chú trọng cây ăn trái đặc trưng
Năm 2007, Bộ NNPTNT đã tiến hành rà soát quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái tập trung ở Nam Bộ. Theo đó, mỗi tỉnh, thành chọn ra 2 – 3 cây chủ lực để quy hoạch phát triển. Riêng TP.HCM phát triển cây ăn trái theo hướng du lịch sinh thái nên thực hiện đa dạng hóa giống cây và loại hình.
Khóm Tân Phước được Sở NNPTNT Tiền Giang xin bổ sung vào danh sách các loại trái cây đặc sản cần quy hoạch phát triển. |
8 tỉnh ĐBSCL đã chọn được 8 cây trái đặc trưng với tổng diện tích gần 80.000ha, tổng sản lượng đạt gần 595.000 tấn. Vùng Đông Nam Bộ cũng chọn được 7 loại cây tiêu biểu để tiến hành quy hoạch vùng cây ăn trái chuyên canh với tổng diện tích khoảng hơn 50.670ha, sản lượng hàng năm đạt mức 400.000 tấn.
TS Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp, Phân viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp phía Nam đánh giá, sau 5 năm thực hiện đề án, nhiều loại cây ăn quả đặc sản miền Nam đã gia tăng về diện tích, sản lượng và chất lượng. Một số cây đã phát triển vượt chỉ tiêu quy hoạch như bưởi, vú sữa, thanh long. Phần lớn các cây ăn quả đặc sản này đã được các tỉnh chọn lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và tiến hành sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP.
“Các loại cây đặc sản luôn được thị trường ưa chuộng, giá trị sản lượng bình quân đạt từ 100 – 300 triệu đồng/ha/năm và thường là cây trồng có giá trị lợi nhuận cao, mang lại thu nhập lớn nhất trong ngành trồng trọt của địa phương” - TS Tuấn cho biết.
Tuy nhiên quy hoạch này vẫn chỉ mới thực hiện “mơ hồ” ở cấp tỉnh chứ chưa quy hoạch tới từng hộ nông dân. Ngoài Bình Thuận đã xây dựng được một vùng chuyên canh thanh long thì với các loại cây ăn trái còn lại, các tỉnh vẫn “thả nổi” cho người dân tự phát trồng.
Quy hoạch chưa gắn với thị trường
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành cây ăn quả, việc quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái vùng Nam Bộ thời gian qua chưa gắn với nhu cầu thị trường. TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc trái cây tới mùa thì dội hàng và rớt giá trong thời gian qua.
Còn theo ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), thì quy hoạch phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái chưa đi cùng việc kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch động vật.
TS Hoàng Quốc Tuấn
“Việc này hiện nay chưa làm tốt dẫn đến nhiều loại trái cây chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các nước. Ngoài ra, công nghệ bảo quản nước ta còn yếu khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn” - ông Kỳ phân tích.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho biết bộ đang phối hợp cùng Bộ Công Thương rà soát lại nhu cầu tiêu thụ và khả năng đáp ứng của từng loại cây đặc sản ở từng địa phương cụ thể. Công tác quy hoạch thời gian tới sẽ tập trung nhiều đến chính sách và chiến lược đầu tư về khoa học kỹ thuật, khuyến nông, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, ngăn chặn dịch bệnh…
“Tuy nhiên công việc trước mắt là các tỉnh phải làm lại quy hoạch và hoàn thành ngay trong tháng 4 này, không thể để lâu nữa. Các tỉnh dứt khoát phải chấp nhận “hy sinh”, mỗi tỉnh chỉ chọn 2 – 3 cây đặc sản để quy hoạch phát triển thành vùng cây ăn trái tập trung. Sau đó sẽ bắt tay vào đầu tư, phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái vững mạnh, theo quy hoạch đã đề ra” – Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết.
Thuận Hải