Dân Việt

Rùng mình “công nghệ” giết mổ lợn

20/04/2012 06:57 GMT+7
(Dân Việt) - Hàng trăm tấn thịt lợn được giết mổ theo kiểu “đại trà” tại những lò mổ hôi thối, bẩn thỉu vẫn được đóng dấu kiểm dịch “an toàn”, rồi được đưa vào thủ đô tiêu thụ mỗi ngày.

Phóng viên Dân Việt đã “đột nhập” vào một số cơ sở giết mổ được coi là hiện đại nhất Hà Nội hiện nay để tìm hiểu đường đi của lợn “bẩn” vào thành phố hàng ngày như thế nào.

img
Lợn được giết mổ trên sàn xi măng bẩn thỉu và công nhân đi ủng giẫm đạp lên thịt .

Rợn người

1 giờ 30 phút sáng 18.4, khi cả thành phố còn đang chìm sâu trong giấc ngủ thì các lò giết mổ lại đang hoạt động hết công suất để cung cấp các “mẻ” lợn cho thị trường tiêu dùng trong ngày. Chúng tôi có mặt ở lò mổ của Công ty cổ phần An Thịnh (Vạn Phúc, Thanh Trì) được coi là lò mổ lớn nhất cung cấp thịt cho các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Long Biên…

Diện tích khu giết mổ rộng chừng 4.000m2, được chia thành 26 kiốt nhỏ và cho từng hộ thuê với giá 31 triệu đồng/mỗi tháng. Đến nay, đã có 24 hộ vào thuê kiốt để hành nghề giết mổ, chủ yếu là các hộ ở khu Thịnh Liệt cũ.

Lò mổ Vạn Phúc lúc nào cũng đông đúc như một… đại công trường, người và xe qua lại tấp nập, cùng tiếng hò hét của người buôn, kẻ bán, tiếng lợn bị chọc tiết kêu inh ỏi. Trung bình mỗi ca, lò mổ này làm thịt tới 700 con lợn, vì thế không khí tại đây luôn nặng mùi hôi thối, tanh nồng. Đi sâu vào trong sân lò mổ, chúng tôi không khỏi rùng mình khi tận mắt nhìn thấy, cả sân nhuộm một màu đỏ ngầu, kèm theo đó là lông lợn, nước váng mỡ lênh láng khắp nơi.

Lò giết mổ ở đây được ngăn đều làm 2 khu: Khu giết mổ và khu làm nội tạng. Dù được quảng cáo là khu giết mổ hiện đại, song toàn bộ khâu giết mổ diễn ra hoàn toàn thủ công, phương tiện thô sơ, mất vệ sinh. Hàng trăm con lợn được mổ phanh cùng một lúc dưới sàn xi măng, cạnh đó là hàng đống lòng lợn bèo nhèo, cùng thủ lợn và cả phân lợn vứt tung toé khắp nơi dưới nền lò mổ. Để rửa thịt và lòng, công nhân tay cầm vòi xịt, chân đi ủng giậm vào từng con, từng đống...

Ông Nguyễn Minh Tuấn- Giám đốc Công ty An Thịnh phân trần: “Từ khi xây dựng cơ sở, chúng tôi cũng nắm được một số quy trình như làm móc treo, bàn mổ, nhưng về cơ bản vẫn chưa… hiểu kỹ. Chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng “thông cảm” và sẽ khắc phục dần dần”.

Không kiểm dịch vẫn đóng dấu bình thường

Rời lò mổ Vạn Phúc, chúng tôi sang một lò mổ khác của Công ty TNHH Minh Hiền đóng tại Khu công nghiệp Bích Hòa (huyện Thanh Oai). Tình trạng giết mổ tại đây cũng tương tự. Hàng chục người thoăn thoắt giết mổ lợn theo yêu cầu của người mua, từng đoàn xe gắn máy ra vào liên tục vận chuyển lợn về các chợ để bán. Lợn được giết mổ trực tiếp trên sàn xi măng, thân lợn nằm lẫn trong các chất thải từ lợn như máu, phân, lông… trông rất ghê sợ.

Làm trái ngược các quy định

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết: “Cán bộ thú y tại các lò mổ đáng lý phải làm quyết liệt chuyện kiểm dịch vệ sinh và đóng dấu kiểm dịch. Phải buộc các lò giết mổ làm đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu không làm đúng quy trình thì tuyệt đối không được đóng dấu. Vậy nhưng tôi đi khảo sát thấy cách làm ở các lò mổ trên địa bàn Hà Nội hoàn toàn trái ngược. Công đoạn này không có kiểm tra, không có giám sát, không xử phạt”. Bà Thu cũng cho biết, trong tuần tới, Bộ NNPTNT sẽ chính thức làm việc với UBND TP. Hà Nội để bàn về cơ chế, chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như các cơ sở giết mổ trên địa bàn Hà Nội.

Dù đã được đầu tư khu giết mổ hiện đại, khép kín và tự động ở nhiều công đoạn với tổng số vốn hàng chục tỷ đồng, nhưng dây chuyền của Công ty Minh Hiền lại không thể hoạt động bởi các hộ giết mổ… không quen. Vì thế, dù có công suất giết thịt trên 1.000 con lợn mỗi ngày, song số lợn được giết mổ thực tế chỉ có 70 con trên dây chuyền này. Thay vào đó, trên 10 kiốt trong khuôn viên đã được Công ty Minh Hiền cho các hộ giết mổ thuê để giết mổ thủ công.

Điều đáng lo ngại hơn, tại các lò mổ này, chúng tôi phát hiện việc giết mổ có rất nhiều khâu không đúng quy trình, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lợn được vận chuyển trần trụi trên xe máy đưa đi tiêu thụ... nhưng hàng chục chiếc xe chở lợn vẫn được cán bộ kiểm dịch có mặt tại lò đóng dấu để đưa đi tiêu thụ.

Chính bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Giám đốc Công ty Minh Hiền thừa nhận thực tế này và lý giải: “Công ty cũng muốn làm đúng quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh và điều kiện thú y và có đầu tư giá để treo thân lợn cho cán bộ thú y lăn dấu, nhưng các hộ không tuân thủ, và tự ý dỡ bỏ đi hết. Họ nói rằng làm như thế cho nhanh, hơn nữa các lò mổ khác không đảm bảo về vệ sinh thú y, vẫn hoạt động, mình làm đúng cũng chẳng được gì”.