Tất cả các bộ phận của cây sen đều được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền. Đặc biệt, hạt sen có nhiều dưỡng chất (tinh bột, protein, lipid, bêta-amyrin, anpha-amyrin, stigmasterol, bêta-sitosterol, campestola, Ca, P, Fe...), không những là nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon trong ngày hè như chè hạt sen, cháo gà hạt sen, cơm chiên hạt sen... mà còn là vị thuốc quý cho sức khỏe.
Một số cách dùng hạt sen làm thuốc
Dưỡng tâm, an thần:toan táo nhân 12g, hạt sen 12g, viễn chí 12g, phục thần 12g, hoàng kỳ 12g, đảng sâm 12g, cam thảo 4g, trần bì 6g. Sắc uống. Trị chứng hư lao tâm phiền không ngủ được, tim đập hồi hộp, đầu váng, mắt hoa...
Kiện tỳ, cầm tiêu chảy:hạt sen 16g, hoàng liên 6g, đảng sâm 12g. Sắc uống. Dùng trị chứng tỳ hư tiết tả, lỵ lâu ngày không khỏi.
Ích thận, cố tinh: hạt sen, ba kích, bổ cốt chỉ, sơn thù, long cốt, phụ tử, phục bồn tử. Các vị liều lượng bằng nhau. Nghiền chung thành bột mịn, dùng hồ nếp làm hoàn. Mỗi lần uống 12g, vào lúc đói, chiêu với nước muối loãng. Dùng trị chứng thận hư, di tinh, băng lậu, đới hạ...
Một số món ăn - bài thuốc có hạt sen
Chè bột trứng gà hạt sen:hạt sen 30g, đường 30g, rượu 30ml, trứng gà 1 quả. Nấu hạt sen chín nhừ, cho đường, rượu và lòng đỏ trứng, khuấy tan. Đun sôi lại, cho ăn trước khi đi ngủ. Dùng cho các trường hợp bị bệnh lâu ngày, người cao tuổi, sau đẻ, cơ thể suy nhược.
Chè hạt sen củ súng:hạt sen 30g, củ súng 30g, đường liều thích hợp. Nấu chè cho ăn vào bữa điểm tâm buổi sáng. Dùng cho các trường hợp di tinh, tảo tiết, đái hạ huyết trắng, kinh nguyệt quá nhiều, tiểu đêm nhiều.
Hạt sen hầm thịt lợn: hạt sen 30g, thịt lợn nạc 150g, thêm gia vị hầm nhừ. Ăn ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp doạ sẩy thai, sẩy thai liên tiếp, phụ nữ có thai đau lưng.
Cháo hạt sen:hạt sen 30g, gạo tẻ 150g. Nấu cháo, thêm đường hoặc muối. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, tiêu lỏng dài ngày.
Kiêng kỵ: Hạt sen tính bình không độc, không có cấm kỵ đặc biệt nhưng các trường hợp đầy bụng, không tiêu, táo bón nên hạn chế.