Dân Việt

Độc đáo: Cho đàn lợn đen nằm sàn gỗ, ăn cám sạch chống dịch tả

Minh Ngọc 22/09/2019 06:15 GMT+7
Cho lợn uống nước, ăn cám sạch, bỏ tục thả lợn rông... là biện pháp mà bà con ở địa phương vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) đang làm để giúp đàn lợn đen đặc sản của mình vượt qua "bão" dịch tả lợn châu Phi.

img

Bà Pọm bên đàn lợn đặc sản của gia đình ở xã Hát Lừu.

Hôm chúng tôi đến thăm, bà Hoàng Thị Pọm ở bản Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, (Yên Bái) đang tất bật chăm sóc hơn 50 con lợn đen của gia đình. Thấy có khách lạ đến, bà Pọn tỏ vẻ e dè không muốn trò chuyện, hỏi ra mới biết, bà Pọm sợ khách lạ đưa dịch tả lợn châu Phi đến hại đàn lợn của mình nên đã cố ý "đuổi khéo" khách.

"Trước toàn thả rông thôi, giờ có dịch phải làm chuồng không cho nó (lợn) gặp người lạ và cho ăn uống sạch mới an toàn được", bà Pọm nói.

Ngoài việc cho lợn uống nước, ăn cám ngô, sắn nghiền sạch, bà Pọm còn xây chuồng có vách ngăn để tách từng loại lợn vào từng ô, dễ bề chăm sóc. "Cán bộ hướng dẫn rồi, giờ phải nuôi cẩn thận thôi", bà Pọm chia sẻ.

Khác xã với gia đình bà Pọm, hộ chị Giàng Thị Thơ (dân tộc Mông) ở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu cũng đang tích cực chăm sóc đàn lợn đen của gia đình để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. "Giờ cho chúng ăn nhiều và sạch hơn rồi, không lo bị bệnh đâu", chị Thơ chia sẻ.

Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu được công bố tại Trạm Tấu ngày 14/5/2019. Theo đó, dịch đã bùng phát tại 2 thôn Tấu Dưới và Tấu Trên (Trạm Tấu) và thôn Làng Nhì, (Làng Nhì) với 41 con bị mắc và nghi mắc dịch tả lợn châu Phi, trong đó có 37 con đã chết.

Tổng đàn lợn của huyện Trạm Tấu trước khi bùng phát DTLCP trên 19.000 con. Sau khi dịch bùng phát, tính đến đầu tháng 8/2019, Trạm Tấu đã tiêu hủy trên 1.800 con (lợn đen bản địa chiếm 10%), trọng lượng lợn đã tiêu hủy trên 60 tấn. Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ở 9 thôn, bản của huyện Trạm Tấu, trong đó có 2 xã bị thiệt hai nặng nề nhất là xã Trạm Tấu, xã Túc Đán.

img

 Bà Pọm dọn chuồng sạch, kê cả sàn gỗ cho lợn nằm khô, thoáng.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Hảng A Thào - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trạm Tấu cho rằng: Nguyên nhân chính phát sinh dịch tại huyện có thể do bà con mua thực phẩm (trong đó có thịt lợn từ nơi có dịch về sử dụng) nên đã đưa dịch về hại đàn lợn của địa phương. Ngoài ra, do tập quán chăn thả rông của bà con nên khó quản lý, chăm sóc nên dễ bị nhiễm dịch.

"Trước và sau khi bị dịch, địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch tả châu Phi. Trong đó, huyện chỉ đạo các xã tích cực xử lý khử trùng, rắc vôi bột ở các chuồng trại có dịch, đồng thời tuyên truyền cho bà con hạn chế chăn thả rông và xây chuồng trại cẩn thận để chăm sóc đàn vật nuôi (chưa bị bệnh) vừa để bảo tồn giống lợn bản địa, vừa đảm bảo thực phẩm cung cấp cho bà con", ông Thào khẳng định.

Sau khi huyện vào cuộc tích cực, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn, dập dịch từ ngày 18/8 đến nay, trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã có 31/31 thôn, bản không phát sinh thêm dịch. 

img

Chị Giàng Thị Thơ chăm sóc đàn lợn của gia đình ở Bản Công.

"Đây là tín hiệu vui cho bà con chăn nuôi lợn, song mọi người không được chủ quan, lơ là mà mọi người cần tiếp tục lập "rào lửa" (làm chuồng, rào nuôi lợn bên trong, không cho người lạ tiếp cận vật nuôi...) và làm tốt công tác phòng dịch từ xa. Chủ trương của huyện là không cho tái đàn khi còn dịch, khi tái đàn phải có đăng ký với địa phương. Đặc biệt, địa phương cũng đang dần thay đổi thói quen chăn nuôi của bà con, từ thả rông hướng vào nuôi theo chuồng, khu vực có quy hoạch để đảm bảo môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Thào nhấn mạnh.

Theo ông Thào, hiện ở các xã của huyện số gia đình nuôi lợn tập trung khoảng 20 - 30 con không nhiều, mà chủ yếu là bà con nuôi khoảng 2 - 3 con, nhà nhiều có 8 - 10 con, phần lớn là nuôi giống lợn đen địa phương để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho gia đình, một số hộ nuôi nhiều hơn thì mới bán cho khách. 

"Sắp tới bên cạnh việc tuyên truyền, địa phương sẽ đẩy mạnh hoạt động tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc đàn lợn đặc sản luôn khỏe mạnh, phát triển tốt hơn", ông Thào chia sẻ.

img

Đàn lợn đen đặc sản đang được chị Thơ chăm sóc rất cẩn thận.