Những ngày gần đây, nhiều địa phương tại tỉnh Đồng Nai như xã Bình Minh, Bắc Sơn (huyện Trảng Bom); Vĩnh Tân, Tân An (huyện Vĩnh Cửu) và một số nơi của TP.Biên Hoà bị ngập cục bộ do mưa lớn kéo dài, kèm đó là thủy điện Trị An tiến hành xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình.
Theo đó, vào đêm 18 rạng sáng 19/9, hồ thuỷ điện Trị An tăng lượng xả qua tràn từ 150 m3/s lên 300 m3/s, nhằm đảm bảo an toàn cho hồ chứa và hồ Sông Mây cũng xả lũ theo quy trình, khiến một phần ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) bị ngập nặng. Lực lượng chức năng đã phải tham gia di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn...
Trước diễn biến bất thường này, chính quyền xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) đã cử lực lượng xuống khu vực bị ngập tổ chức ứng cứu, di dời người dân ra khỏi vùng ngập.
Theo lãnh đạo xã Bắc Sơn, khu vực bị ngập có diện tích khoảng 150 hecta, thuộc một phần ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, giáp với xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Đây là khu vực có khoảng 40 hộ dân sinh sống, là vùng trũng nên đa phần bà con nuôi trồng thủy sản, cá giống. Lực lượng cứu hộ cũng đã cứu hơn 100 con heo ra khỏi nơi ngập lụt.
Đến trưa 19/9, cơ bản tình hình đã được khống chế, phần lớn người dân trong ấp được lực lượng chức năng đưa về nơi an toàn.
Ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, địa phương đã tiến hành hỗ trợ người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Con số thiệt hại thì phải chờ sau khi ổn định trở lại mới có thể thống kê được.
Người dân ở tỉnh Đồng Nai phải di chuyển tài sản do ngập lụt.
Còn ông Phạm Xuân Hà – Bí thư Huyện ủy huyện Trảng Bom cho biết, trên địa bàn huyện có 2 khu vực ngập là xã Bình Minh và ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn. Riêng xã Bình Minh đã an toàn do ngập không quá nghiêm trọng, còn lại xã Bắc Sơn vẫn tiếp tục theo dõi và sẵn sàng trong mọi tình huống.
“Ưu tiên trước hết là sơ tán người dân đến nơi an toàn, sau đó tiếp tục di chuyển tài sản còn lại. Hiện tình hình đã cơ bản được an toàn, tuy nhiên chúng tôi vẫn chỉ đạo lực lượng cứu hộ và phương tiện tập trung tại tuyến đường vào vùng ngập để đưa người dân trở về khi nước rút, đồng thời chủ động trong trường hợp nước tiếp tục dâng cao”, ông Hà khẳng định.
Tại huyện Vĩnh Cửu, 2 xã tiếp giáp với ấp Sông Mây là Tân An và Vĩnh Tân cũng xảy ra tình trạng ngập cục bộ, nơi ngập nặng nhất là ấp Cây Xoài, xã Vĩnh Tân. Mặc dù chưa phải di chuyển dân và tài sản do địa hình cao hơn song theo lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu, các lực lượng chức năng cũng đã sẵn sàng túc trực.
Trước đó, từ ngày 14/9, những cơn mưa lớn bắt đầu diễn ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, Tây Nguyên. Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về các sông, suối, hồ ở Đồng Nai tăng nhanh. Các hồ chứa buộc phải xả tràn để đảm bảo an toàn cho hồ. Các hồ xả tràn cộng với triều cường, mưa lớn đã gây nguy cơ ngập lụt ở những vùng trũng thuộc hạ du như: Huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa.
Ông Võ Tấn Nhẫn - Giám đốc Công ty thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, những ngày qua do mưa lớn liên tục diễn ra ở vùng Tây Nguyên khiến lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Trị An với lưu lượng lớn và tiếp tục tăng. Mực nước trong hồ đã lên đến 61,3m nên công ty phải liên tiếp tăng lượng xả tràn về hạ du. Lượng xả tràn gần 1.400m3/giây. Nếu trong 1-2 ngày tới, lượng nước đổ về hồ còn tăng cao, công ty buộc tăng xả tràn.
Cũng theo ông Nhẫn, để hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du, công ty sẽ cân nhắc xả tràn vào thời điểm thủy triều rút. Hiện trên sông Đồng Nai nước đã lên đến báo động 2, vì thế nếu 1-2 ngày tới, Công ty thủy điện Trị An tiếp tục tăng xả tràn thì nguy cơ ngập lụt những khu vực trũng gần sông rất dễ xảy ra.
Ông Lê Thành Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch cho biết, trước diễn biến phức tạp của mực nước, huyện Nhơn Trạch đã cử lực lượng theo dõi chuẩn bị sẵn sàng nếu xảy ra mưa lũ, thủy điện xả tràn gây ngập lụt sẽ kịp thời ứng cứu. Huyện liên tục thông báo cho người dân ở những khu vực trũng gần sông suối đề phòng lũ lụt.