Như Dân Việt thông tin, ngày 18/9, cơ quan Công an tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Thái Luyện (SN 1985) - Chủ tịch Công ty Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989) - Tổng giám đốc Công ty Alibaba về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nguyễn Thái Luyện bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Khi tiến hành khám xét tại trụ sở công ty Alibaba, ngoài tiền mặt, cơ quan điều tra (CQĐT) đã thu giữ giữ nhiều xe ô tô, xe máy.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy công ty Alibaba đã lừa đảo hơn 6.700 khách hàng, chiếm đoạt số tiền hơn 2.500 tỉ đồng.
Khách hàng của công ty Alibaba có lấy lại được tiền?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Trong vụ án này, sẽ có người có cơ hội lấy lại được tiền, có người cơ hội lấy lại tiền sẽ không cao, thậm chí nguy cơ mất tiền. Việc lấy được tiền hay không phụ thuộc vào địa vị pháp lý, bản chất của từng giao dịch, từng vai trò, vị trí trong các thủ tục tố tụng”.
Luật sư phân tích, mỗi giao dịch mức độ hiểu biết của khách hàng với những thông tin, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo của công ty Alibaba đưa ra khác nhau nên những khách hàng của công ty này có thể sẽ phân thành hai nhóm:
Nhóm thứ nhất, những người bị lừa đảo nhẹ dạ tin dự án có thật, tưởng giao dịch là hợp pháp nên đã nộp tiền vào công ty hoặc đưa tiền cho các đối tượng. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng này đã chiếm đoạt, không có ý định trả lại tiền cho khách hàng. Nhóm nhóm khách hàng này sẽ được xác định là những người bị hại trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an đã thu giữ nhiều xe ô tô tại Công ty Alibaba.
Những người này sẽ tham gia vụ án hình sự với tư cách là người bị hại, được quyền đưa ra các yêu cầu, đề nghị, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị hại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có quyền yêu cầu những đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các đối tượng lừa đảo không tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả, họ có quyền yêu cầu tòa án niêm phong, kê biên, phong tỏa tài khoản và tuyên án buộc các bị cáo phải thực hiện nghĩa vụ dân sự và bồi thường những thiệt hại (nếu có).
Trường hợp vụ án kết thúc, tòa án tuyên các đối tượng phạm tội phải chịu hình phạt và bồi thường thiệt hại dân sự cho nạn nhân, nếu các đối tượng cố tình không bồi thường thiệt hại thì người bị hại có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với các tài sản của những đối tượng phạm tội để thu hồi tài sản.
Nhóm thứ hai, những người không được xác định là bị hại trong vụ án hình sự do họ không trình báo sự việc với cơ quan công an hoặc sự việc họ đưa tiền cho các đối tượng này không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, không có yêu tố gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.
Những người này có thể đã biết rõ các dự án bất động sản của Công ty Alibaba chưa được phép huy động vốn, không có thật nhưng vì ham lợi nhuận, ham lãi suất nên đã bỏ tiền ra đầu tư và chấp nhận rủi ro trong các giao dịch. Những giao dịch này không có yêu tố gian dối, hai bên đều biết rõ việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng cố tình thực hiện hành vi vi phạm, thực hiện các giao dịch bất động sản vi phạm điều cấm của pháp luật, giao dịch dân sự vô hiệu.
Trường hợp này sẽ không được xác định là người bị hại trong vụ án hình sự nên sẽ không được vận dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan để buộc đối tượng lừa đảo phải trả lại tài sản.
Nếu không được các đối tượng trên tự nguyện trả lại tài sản, họ phải khởi kiện bằng một vụ án dân sự để yêu cầu tuyên hủy bỏ hợp đồng, giao dịch để buộc các đối tượng này phải trả lại tài sản.
Khi tham gia vụ án dân sự, họ được xác định là nguyên đơn trong vụ án dân sự, sự tác động, ảnh hưởng đến số phận pháp lý của Công ty Alibaba, những đối tượng lừa đảo sẽ không cao nên cơ hội đòi tiền sẽ không cao.
Nhóm thứ 3, những người bị lừa đảo nhưng không khai báo, không trình báo thì không có cơ hội nhận lại tài sản.
“Hiện nay, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đang tiến hành hoạt động điều tra nên nếu khách hàng nào thấy mình thuộc nhóm thứ 1 cần có đơn trình báo cho cơ quan Công an và đề nghị tham gia vụ án hình sự với tư cách là người bị hại để có cơ hội đòi lại tiền sẽ cao hơn.
Với những người thuộc nhóm thứ 2 có thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu tuyên hủy bỏ hợp đồng, giao dịch nhằm lấy lại tài sản” – luật sư đưa ra lời khuyên.