Dân Việt

Vì sao doanh nghiệp ô tô Việt vẫn “chưa chịu lớn”?

Thanh Phong 22/09/2019 16:45 GMT+7
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam vẫn yếu kém cả về số lượng, chất lượng… Theo các chuyên gia đánh giá, chính sách bảo hộ không hợp lý khiến ngành này “không chịu lớn”, người tiêu dùng Việt cũng khó chạm “giấc mơ ô tô” giá rẻ.

Thời gian qua Chính phủ đã tiếp tục ban hành một số chính sách với mục tiêu bảo hộ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa trước sự cạnh tranh gay gắt từ ô tô nhập khẩu, đặc biệt khi thuế suất ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN được giảm về 0%.

Tiến sĩ Phan Minh Ngọc chỉ ra rằng, điển hình của việc bảo hộ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa là chính sách điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn, thậm chí là giảm về 0%.

“Đáng kể hơn cả là chính sách siết nhập khẩu ô tô bằng hàng rào kỹ thuật với nhiều điều kiện chặt chẽ, nghiêm ngặt và các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật khác. Ví dụ như Nghị định 116/2017 hay Thông tư 03/2018 của Bộ Giao thông – Vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu.” Ts. Ngọc nói.

img

Doanh nghiệp không dám đầu tư lớn vào sản xuất vì không đủ niềm tin vào sự ổn định của chính sách ngành ô tô.

Cũng theo Ts. Phan Minh Ngọc, về mặt lý thuyết, bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước giúp ngành này phát triển, ngoài ra, người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều tiết không hợp lý hoạt động nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước khiến ngành công nghiệp ô tô phát triển khập khiễng.

“Nên nhớ lại từ hơn 20 năm trước, hàng loạt hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan cũng đã được dựng lên với mong muốn củng cố ngành công nghiệp ô tô non trẻ tại Việt Nam, nhưng kết quả không như mong đợi”, TS Phan Minh Ngọc nhận xét.

Một chuyên gia khác, ông Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, Việt Nam duy trì tỷ lệ thuế nhập khẩu rất cao đối với ô tô nhập khẩu, tuy nhiên, lại đánh thuế nhập khẩu linh kiện ở mức thấp hơn hẳn trong một thời gian rất dài khiến ngành công nghiệp này rất khó phát triển.

Theo ông Minh đánh giá, vì chính sách trên, doanh nghiệp Việt chủ yếu tập trung vào khâu lắp ráp để hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước ngay cả khi không đạt được cam kết về tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, các doanh nghiệp có xu hướng nhập linh kiện về để lắp ráp thành ô tô rồi bán thay vì mua linh kiện trong nước. 

Nói cách khác, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước không cần phải đầu tư vào phát triển các công nghệ sản xuất, đổi mới sáng tạo, gia tăng năng lực sản xuất mà vẫn duy trì mức lợi nhuận cao.

 “Chính sách bảo hộ thiếu nhất quán không kích thích ngành công nghiệp phụ trợ. Do vậy, dù đã 20 năm dưới sự bảo hộ, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam vẫn mãi không chịu lớn.” ông Minh cho biết.

Đối với người tiêu dùng, lợi ích họ được hưởng cũng chỉ nằm trên… lý thuyết. Từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm xuống mức 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. 

img

Khi nào người tiêu dùng Việt chạm tới "giấc mơ ô tô"?

Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập tới 75.437 ôtô các loại, trị giá gần 1,7 tỉ USD, tăng tới 5 lần về số lượng và hơn 4 lần về giá trị so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, giá xe trong nước bao gồm cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp nội địa đã không giảm, thậm chí còn tăng mạnh. Lý do là nhiều doanh nghiệp tạm dừng nhập khẩu xe đến hết tháng 3 vì vướng phải những điều kiện trong Nghị định 116/2017.

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện tại, nhìn chung chính sách bảo hộ ô tô trong nước không làm lợi cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có điều kiện kiểm soát, lũng đoạn thị trường, áp đặt giá bán và chính sách do mình đặt ra, người tiêu dùng chỉ còn biết chấp nhận. Mấy chục năm bảo hộ mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn thất bại, lợi ích rơi vào các hãng sản xuất, lắp ráp xe trong nước, còn người tiêu dùng “lợi thì có lợi nhưng răng không còn”.

Theo ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, sắp tới các cơ quan chức năng sẽ ban hành chính sách nhằm kích thích doanh nghiệp ôtô trong nước tăng cường mua linh kiện, phụ tùng trong nước nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa qua đó giảm giá xe.

“Nếu tự sản xuất được linh kiện sẽ vừa góp phần giảm giá thành sản xuất ôtô, vừa giúp tạo giá trị gia tăng cho ngành phụ trợ ôtô trong nước. Do đó, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện phụ tùng nhập khẩu, còn với phần giá trị linh kiện sản xuất trong nước sẽ không tính thuế.

Chính sách này nhằm mục đích vừa thúc tăng tỉ lệ nội địa hóa vừa thúc đẩy các doanh nghiệp ôtô trong nước tăng cường mua linh kiện, phụ tùng trong nước. Khi giá xe giảm mới tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn để thúc đẩy sản xuất.” ông Hoài thông tin.