Dân Việt

Loạn trường xưng danh quốc tế

Nhóm P.V 23/09/2019 06:01 GMT+7
LTS: Ở Việt Nam có ngót một trăm trường gắn danh “quốc tế”, với giá học phí từ 100 triệu đến gần 1 tỷ đồng cho một năm học. Nhưng điều đáng nói là hiện chưa có quy định thế nào là chất lượng “quốc tế” để cho thấy học sinh được học trong môi trường giáo dục đáng giá hàng trăm triệu. Loạt bài "Loạn trường xưng danh quốc tế" hy vọng sẽ giải đáp phần nào câu hỏi của bạn đọc.

Kỳ 1: Trường quốc tế như “nấm mọc sau mưa”

Đầu tháng 8/2019, dư luận xã hội rúng động vì vụ việc một học sinh lớp 1 tử vong trên xe buýt đưa đón của trường quốc tế liên cấp Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội), chỉ sau 2 ngày đi học. Nguyên nhân ban đầu được cho rằng bé L đã bị ngạt do bị “bỏ quên” trên xe suốt cả ngày khiến dư luận đặt dấu hỏi về “chất lượng” của các trường quốc tế.

Học phí cao ngất ngưởng

Mức học phí của các trường quốc tế tại Việt Nam vô cùng khác nhau, theo thăm dò sơ bộ của PV Báo NTNN, dao động khoảng 120 đến gần 700 triệu đồng/năm.

Cụ thể  học phí bậc tiểu học năm học 2019 - 2020 của Trường Quốc tế Gateway (Hà Nội) được công bố là 117,7 triệu đồng. Mức học phí này chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, xe buýt đưa đón và phí trông muộn quá giờ. Tại Trường Quốc tế Alaska (Hà Nội), một năm mỗi học sinh học tập ở lớp 1 và 2 sẽ phải đóng nguyên mức phí khoảng 100 triệu đồng/học sinh. Đối với các em học sinh lớp 3, 4 và 5 sẽ phải nộp gần 101  triệu đồng/học sinh. Tổng mức học phí này không tính học phí ưu đãi và chưa tính thêm các khoản phụ thu khác.

img

 Được cấp phép trường quốc tế Thăng Long nhưng trường này lại treo biển trường Bill Gates School.
(Ảnh: Phi Long)

Tại TP.HCM, Trường Quốc tế Việt Úc là trường có mức học phí thuộc top cao, trung bình, học phí cho cấp tiểu học là hơn 155 triệu đồng/năm. Ngoài ra, phụ huynh phải đóng tiền ăn khoảng 26 triệu đồng/năm, tiền sách giáo khoa, học cụ khoảng 5 triệu đồng/năm…

Ở cấp THCS, học phí là 200 triệu đồng/năm, tiền ăn khoảng hơn 32 triệu đồng/năm trong khi học phí cho học sinh lớp 12 đến gần 425 triệu đồng/năm. Tiền ăn của học sinh cấp 3 cũng hơn 38 triệu đồng/năm.

Trường Quốc tế Australia (TP.HCM)  nhận học sinh từ bậc mầm non đến THPT. Học phí bậc THPT của trường cao nhất với 646 triệu đồng mỗi năm. Từ tiểu học đến THCS, mức học phí dao động từ 419 đến gần 600 triệu đồng mỗi năm.

Trường Quốc tế Đức (IGS) tại TP. HCM được thành lập năm 2012 do Bộ Ngoại giao Liên bang Đức khởi xướng. Mức học phí đang được áp dụng tại trường dao động từ 200 đến 400 triệu đồng/năm.

Trường Quốc tế Anh (Birist International School Ho Chi Minh City) nhận học sinh từ bậc mầm non đến THPT. Học phí cấp tiểu học của trường thấp nhất với 495,3 triệu đồng/năm và tăng theo từng năm. Cấp THPT có học phí cao nhất lên đến 730,8 triệu đồng/năm...

Chương trình học mỗi trường 1 kiểu

Có thể dễ nhận thấy, các trường quốc tế có mức học phí từ 400 đến gần 700 triệu đồng có các chương trình giáo dục của nước ngoài, dạy bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Anh - Việt. Còn trường quốc tế có mức phí thấp từ 120-200 triệu đồng/năm có chương trình “phối hợp” giữa chương trình của Bộ GDĐT và tăng cường thêm tiếng Anh.

Cụ thể như chương trình học của Trường Quốc tế Australia được phát triển dựa trên chương trình tú tài quốc tế và Cambridge. Trường IGS dạy chương trình tú tài quốc tế (IB). Học sinh tại GIS được học bằng hai ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Đức (ở khối mầm non và cấp một), tiếng Anh (ở cấp hai, ba). Tùy theo quốc tịch, học sinh có thể học ngôn ngữ tiếng Việt, Đức, Anh. Mức học phí đang được áp dụng tại trường dao động từ 200 đến 400 triệu đồng/năm.

Còn tại Hà Nội, Trường Quốc tế Gateway được quảng bá chương trình giáo dục là “chương trình Việt Nam và chương trình hướng tới tiêu chuẩn quốc tế được tích hợp hiệu quả, giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, tự tin hội nhập thế giới”. Theo Sở GDĐT Hà Nội chương trình giảng dạy của nhà Trường Quốc tế Gateway theo chương trình của Bộ GDĐT và chương trình tiếng Anh tăng cường 5 tiết/tuần  theo giáo trình Keystone của Mỹ.

Tương tự, Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long (nhưng lại treo biển Bill Gates School) địa chỉ ở Lô X1, khu đô Thị Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội cũng chỉ “thuần Việt”. Bà Tạ Thị Thanh Tâm – Phó trưởng Phòng GDĐT quận Hoàng Mai cho biết: "Ngày 24/10/2010, UBND quận Hoàng Mai ký quyết định cho phép thành lập Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long".

Cũng theo bà Tâm, trường này cũng không hề có vốn đầu tư nước ngoài và đang giảng dạy theo giáo trình của Bộ GDĐT như các trường công lập khác, không có liên kết, liên doanh đào tạo với cơ sở nào của nước ngoài.

Âm thầm gỡ mác “quốc tế”

Trước các thông tin “loạn” trường quốc tế, cuối tháng 8/2019, Sở GDĐT Hà Nội đã phải ra thông báo cho biết, cả Hà Nội chỉ có 11 trường quốc tế trong quyết định thành lập và giấy phép hoạt động. Đây là các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài và đã đăng ký hoạt động với Sở GDĐT  theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường này dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam (với tỷ lệ không quá 49% tổng số học sinh).

Bao gồm: Trường Quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia; Trường Quốc tế đa cấp Anh - Hà Nội; Trường PT đa cấp Concordia Hanoi; Trường TH, THCS, THPT Song ngữ quốc tế Horizon tại TP.Hà Nội; Trường THCS, THPT quốc tế Singapore; Trường TH quốc tế Singapore tại Gamuda Gardens; Trường TH quốc tế Singapore tại Ciputra; Trường TH quốc tế Singapore tại Vạn Phúc; Trường TH, THCS, THPT quốc tế St.Paul; Trường mầm non và phổ thông quốc tế ParkCity Hà Nội; Trường Hàn Quốc tại Hà Nội.

Đáng lưu ý, sau công bố của Sở GDĐT Hà Nội, một số trường “giật mình” đã âm thầm tháo dỡ biển “quốc tế”.

Còn tại TP.HCM, ngày 20/8, Sở GDĐT cũng công bố, thành phố có 21 trường có yếu tố nước ngoài. Trong đó, 13 trường có vốn đầu tư nước ngoài và dạy chương trình nước ngoài (trường quốc tế). 8 trường khác là tư thục, được phép dạy thí điểm chương trình nước ngoài hoặc dạy bổ sung chương trình nước ngoài.

Các trường có yếu tố nước ngoài bao gồm: Trường Song ngữ quốc tế Horizon; Trường Quốc tế TAS; Trường Quốc tế Úc, Trường Quốc tế Đức; Trường Quốc tế châu Âu; quốc tế dạy bằng tiếng Anh; Trường Quốc tế Hàn Quốc; Trường Quốc tế Đài Bắc, Trường Quốc tế TP.HCM, Trường Quốc tế Nam Sài Gòn; Trường Nhật Bản; Trường Quốc tế Pháp Marguerite Duras; Trường Quốc tế Singapore.

Ngoài ra còn 8 trường tư thục được cho dạy thí điểm chương trình nước ngoài, gồm: Trường Tiểu học, THCS, THPT Việt Úc; Trường Tiểu học, THCS, THPT quốc tế Khai Sáng; Trường Tiểu học, THCS, THPT Canada; Trường Tiểu học, THCS, THPT Ngọc Viễn Đông; Trường THCS, THPT quốc tế APU, Trường THPT quốc tế Mỹ; Trường quốc tế Anh Việt; Trường Tiểu học, THCS, THPT quốc tế Bắc Mỹ.

“Nhiều phụ huynh hiểu nhầm trường tư thục là có yếu tố nước ngoài. Thực chất, trường có yếu tố nước ngoài là một bộ phận nằm trong loại hình trường tư thục. Các trường có yếu tố nước ngoài được cấp phép theo danh sách của Sở GDĐT TP.HCM phải do tổ chức nước ngoài thành lập, có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài, cho con em là người nước ngoài và số ít học sinh Việt Nam” - đại diện Sở GDĐT TP.HCM cảnh báo hiện nay.