Dân Việt

Quả bóng vàng 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm: “Đam mê của tôi là CFF”

Chính Minh 23/09/2019 09:00 GMT+7
Không có nhiều phụ nữ chọn cho mình một cuộc sống vô cùng bận rộn như Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2008 Đỗ Thị Ngọc Châm. Dường như bên cạnh niềm đam mê bóng đá, cô còn muốn lao vào công việc để quên đi những nỗi buồn thầm kín!

Trong khoảng 3 giờ đồng hành với Ngọc Châm trong vai trò HLV Trung tâm bóng đá cộng đồng CFF dẫn khoảng 90 “cầu thủ nhí” đi thi đấu giao hữu với HFK Phủ Lỗ - Đông Anh ngày 22/9, người viết cảm nhận được bầu nhiệt huyết của một cựu tuyển thủ quốc gia, muốn mang tất cả kinh nghiệm truyền lại cho thế hệ tương lai của bóng đá Việt Nam.

img

Sau khi giã từ sân cỏ, cựu tuyển thủ nữ Việt Nam Đỗ Thị Ngọc Châm tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong sự nghiệp trồng người. Ảnh: Cao Oanh

Ngọc Châm yêu và chăm chút cho các học viên như chính cu Bin – cậu con trai 7 tuổi và thường xuyên theo mẹ tới sân tập bóng đá cùng các bạn.

“Khi tôi bắt tay vào mở Trung tâm CFF năm 2017, mọi thứ khá khó khăn, bận rộn và cũng phải suy nghĩ nhiều.

Xưa đi đá bóng vất vả là một nhẽ, giờ càng hiểu thêm để đi đến cùng đam mê, dù đó là trong vai trò quản lý, HLV một Trung tâm bóng đá cộng đồng cũng tốn rất nhiều công sức.

Mình xác định đã làm thì phải cố gắng làm thật tốt, tạo cho các con một sân chơi để phát triển thể chất.

Một chút sai sót ở khâu nào đó cũng có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của mình và bao tâm huyết cả tập thể với hơn 10 cộng sự sẽ đổ sông đổ biển”, Ngọc Châm mở đầu câu chuyện về CFF.

img

Quả bóng vàng nữ Việt Nam 2008 luôn dõi theo các con với ánh mắt đầy yêu thương, chăm chút. Ảnh: Cao Oanh

Theo Ngọc Châm, chính CFF là nơi để cô đỡ nhớ bóng đá và vẫn được thoải mái “vẫy vùng” cùng trái bóng tròn sau khi chia tay sân cỏ cách đây 9 năm:

“Trung tâm CFF mới mở được khoảng 2 năm nhưng đã có 7 sân gồm sân Tây Hồ, Võ Chí Công, Đông Anh, Sóc Sơn, Hàng Không, Cổ Nhuế, Thạch Thất với hơn 300 học viên.

Có thể nói thời gian của tôi dành nhiều nhất cho công việc chính ở sân bay Nội Bài và CFF. Ngoài ra tôi cũng tham gia Dự án bóng đá cộng đồng tại Việt Nam (FFAV), Chương trình truyền hình thực tế Cầu thủ nhí. Thi thoảng cũng nhận lời mời bình luận bóng đá trên kênh K+, Bóng đá TV.

Ước tính có khoảng 5 công việc và đúng là thời gian riêng cho mình rất ít.

Mỗi khi có thời gian rảnh tôi chỉ muốn dành hết cho con trai, dạy con học, đưa con đi du lịch, đi bơi hay tự tay làm cho con ăn những món ưa thích như là thịt băm, bánh hamburger, bánh rán Đôrêmon…”, Ngọc Châm chia sẻ.

img

Cu Bin rất quấn mẹ và đôi khi làm nũng để được mẹ dỗ dành. Ảnh: Chính Minh

Theo dòng tâm sự, Ngọc Châm với khóe mắt đỏ hoe, gắng gượng kìm lại những giọt nước mắt khi nói về việc mình vừa phải làm cha, vừa làm mẹ:

“Vấn đề này khá tế nhị nhưng 1-2 năm trở lại đây bố của cu Bin có gia đình mới rồi nên tôi cũng cởi mở hơn.

Thời gian của mình không có nhiều, công việc ở sân bay 1 tháng cũng phải làm đêm 10 ngày, phải thuê người giúp việc riêng và con cũng rất thông cảm cho mình.

Cu Bin mới 7 tuổi nhưng rất hiểu chuyện. Khi mẹ con nói chuyện, con có thể nhìn được cảm xúc, tâm lý của mẹ và cố gắng không làm mẹ buồn thêm”, Quả bóng vàng Việt Nam 2008 bộc bạch.

img

Cặp mắt đỏ hoe của Ngọc Châm khi nhắc lại kỷ niệm buồn. Ảnh: Cao Oanh

Nhìn lại những năm tháng theo đuổi niềm đam mê, Ngọc Châm bày tỏ đôi khi cũng cảm thấy tiếc vì thiếu 1 tấm HCV SEA Games trong bộ sưu tập đã có đầy đủ những chiếc Cúp vô địch QG, Cúp vô địch Đông Nam Á, Đại hội TDTT toàn quốc…

Những chấn thương dai dẳng, đặc biệt là việc phải phẫu thuật dây chằng gối 1 tháng trước thềm SEA Games 2009 đã khiến Ngọc Châm lỡ hẹn bước lên đỉnh cao Đại hội thể thao khu vực – thời điểm mà cô đang ở vào độ chín tài năng:

“Tiếc thì có tiếc nhưng quãng thời gian phải nghỉ vì chấn thương tôi đã tranh thủ học được rất nhiều. Tôi học tin học, học pha chế đồ uống, học ngoại ngữ, báo chí, Đại học TDTT…

Lúc này đã có đầy đủ hết và đó là hành trang giúp tôi tự tin hơn, không bao giờ để mình “đứng yên” hay có những khoảng trống về thời gian.

Tôi thuộc tuýp người vận động và luôn cố gắng làm việc nhiều nhất có thể”, Ngọc Châm nói.

img

CFF - chữ viết tắt hội tụ ý nghĩa của bóng đá, gia đình, tình bạn được Ngọc Châm lưu giữ trong tim. Ảnh: Cao Oanh

Khi người viết đặt câu hỏi về việc có muốn cho cu Bin theo nghiệp đá bóng của mình hay không? Ngọc Châm trải lòng:

“Năm nay con mới 7 tuổi và chặng đường phía trước còn rất dài. Con nhanh nhẹn, thông minh nhưng năng khiếu chơi bóng thì chưa thấy! Trước mắt cứ theo mẹ ra sân chơi bóng cho khỏe là vui rồi.

Cá nhân tôi đã nếm đủ những vất vả khi theo đuổi niềm đam mê nên thực lòng chỉ muốn con học tốt.

Nhưng nếu con đam mê như mẹ, dám  “bất chấp tất cả” như mẹ thì tôi sẽ tạo điều kiện cho con. Tôi hiểu làm gì thì làm phải có đam mê thì mới thành công được”.

Khép lại cuộc trò chuyện cùng Dân Việt, Ngọc Châm cười tươi “bật mí”:

“Giờ mọi người gọi tôi là Châm “khàn” rồi. Chạy theo các con không vấn đề gì, thi thoảng tôi vẫn chơi bóng giao lưu cùng phụ huynh các học viên mà.

Nhưng cổ họng thì mệt thật vì suốt ngày phải nhắc nhở, uốn nắn các con từng li từng tí, không chỉ là chuyện chuyên môn mà quan trọng hơn là giúp các con phát triển cả về nhân cách thông qua các bài học, những tình huống ứng xử cả trong và ngoài sân.

CFF là đam mê của tôi. “C” có thể là “Châm” nhưng cũng có thể hiểu là “Club” (Câu lạc bộ - PV). F có thể thiểu là “football” (bóng đá – PV) hay là “friend” (bạn – PV) hoặc “family” (gia đình – PV).

Tất cả các nghĩa đó hội tụ trong CFF và có thể nói đam mê của tôi, cuộc đời tôi xoay quanh CFF”.