Dân Việt

Xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc tăng vù vù

Khánh Nguyên 23/09/2019 15:51 GMT+7
Những diễn biến trái chiều trong xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc cho thấy, chỉ có con đường xuất khẩu chính ngạch mới có thể giữ vững vị thế của trái cây Việt ở thị trường vô cùng quan trọng này.

Diễn biến trái chiều

Khoảng 1 năm trở lại đây, sầu riêng dần đánh mất vị thế “ngôi vương” vì giá đột nhiên giảm sâu. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường Trung Quốc không còn nhập nhiều sầu riêng của Việt Nam, loại quả này chưa nằm trong danh sách những loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

img

  Xuất khẩu thanh long chính ngạch sang Trung Quốc đang tăng vọt.  Ảnh tư liệu

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ ưu tiên đàm phán để Trung Quốc mở cửa những loại trái cây mà Việt Nam có dư lượng xuất khẩu cao như sầu riêng, chanh leo, khoai lang, dừa...  Trước mắt, trong tháng 10 hoặc 11/2019, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức đoàn công tác sang làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các nội dung kỹ thuật (cập nhật danh mục sản phẩm, doanh nghiệp, đánh giá mở cửa thị trường khoai lang và sầu riêng).

Tại tỉnh Đăk Lăk, kể từ cuối tháng 8, sầu riêng bước vào mùa thu hoạch nhưng so với mức giá 90.000 đồng/kg những năm trước thì năm nay loại sầu riêng da xanh giá cao nhất cũng chỉ được 42.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhiều vùng trồng sầu riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân được xác định là do Trung Quốc siết lại nhập khẩu nông sản, nhất là qua đường tiểu ngạch nên sầu riêng không còn cửa sang thị trường này.  Được biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 300.000 tấn sầu riêng, chủ yếu từ Thái Lan, tiếp theo là Malaysia với 17.000 tấn.

Sự sụt giảm về giá do thị trường Trung Quốc không ăn hàng cũng diễn ra đối với trái dừa khi từ giữa năm 2018, giá dừa ở “thủ phủ” dừa Bến Tre đột nhiên giảm mạnh, từ 70.000 đồng/chục (12 trái) xuống còn 30.000 đồng/chục.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), hiện nay những loại quả xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc đã tăng một cách đáng kể, 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 676.500 tấn so với cùng kỳ năm 2018.

 “Có được kết quả như vậy là nhờ nông dân sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đã đáp ứng tốt các yêu cầu của Trung Quốc về bao gói, ghi nhãn mác và truy xuất nguồn gốc theo quy định đang được áp dụng chặt chẽ của Hải quan Trung Quốc. Trên cơ sở đó, dự đoán năm 2019 có thể xuất được từ 3,5 - 4 triệu tấn quả tươi vào thị trường Trung Quốc” – ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định.

Tìm cách xuất khẩu chính ngạch

Theo Bộ NNPTNT, năm 2018 cả nước đạt khoảng 898.300ha cây ăn quả, tổng sản lượng đạt 9 triệu tấn, tăng 2 lần so với năm 2002. Theo phân tích, tiềm năng xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam vào Trung Quốc còn rất lớn, điển hình như dừa tươi (47 triệu USD), dưa hấu tươi (18 triệu USD), chuối (8,7 triệu USD), nhóm ổi, xoài, măng cụt, vải là 1,9 tỷ USD...

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá khó khăn lớn nhất hiện nay của nông sản Việt Nam là không vượt qua được hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước. Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường khó tính với các quy định ngặt nghèo hơn. Trong khi đó, hàng nông sản đang giữ tư duy cũ khi không quan tâm đến chất lượng mà nước bạn đặt ra.

Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều loại hàng hóa nông sản không thể xuất khẩu sang nước bạn và ùn ứ ở cửa khẩu. Thậm chí có tư duy làm ăn với Trung Quốc theo kiểu thương mại biên giới, chứ không làm ăn chính ngạch. Do đó, khi nước bạn siết quy định thì ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Bộ NNPTNT cho rằng thời gian tới phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Theo ông Lê Thanh Hòa, hiện Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu chính ngạch măng cụt. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi thông tin các nhà vườn, cơ sở đóng gói (đã được chuyên gia Trung Quốc kiểm tra) các thủ tục cấp mã số để phục vụ xuất khẩu. Măng cụt được trồng chủ yếu Bình Dương và Bến Tre với diện tích hơn 7.200ha, sản lượng 30.821 tấn.