Không ít mãnh tưỡng đang phải bỏ mạng dưới mũi thương bạc của Triệu Vân
Triệu Vân xưng danh Thường Sơn Triệu Tử Long, hay còn được các tướng sĩ ca tụng là "Thường thắng tướng quân". Suốt một đời chinh chiến, Triệu Vân gần như chưa gặp thất bại, đặc biệt là trong những màn đơn đấu, không ít danh tướng đã phải bỏ mạng dưới mũi thương bạc của Tử Long.
Tuy nhiên vẫn có một nhân vật trúng tận ba thương của Triệu Vân mà vẫn có thể chạy thoát bảo đảm được tính mạng, tên của người này là Chu Thương.
Chu Thương nguyên là thủ hạ của Trương Bảo-thủ lĩnh quân Hoàng Cân. Sau Trương Bảo thất bại bị giết, Chu Thương và một số tàn quân tụ tập ở vùng rừng núi cướp bóc kiếm ăn.
Tạo hình Chu Thương trong phim Tân Tam Quốc Diễn Nghĩa
Chu Thương rất hâm mộ Quan Vũ. Năm xưa Quan Vũ đi ngàn dặm, vượt năm ải chém sáu tướng, khi đến địa phận Ngọa Long Sơn đã gặp một đám thổ phỉ muốn cướp ngựa Xích Thố. Sau khi xưng danh, Quan Vũ rất ngạc nhiên khi một đám thổ phỉ nơi núi rừng thâm cốc đều biết đến ông, hỏi ra mới biết thủ lĩnh của chúng là Chu Thương thường xuyên kể về những chiến tích của Quan tướng quân.
Chu Thương vừa hay tin Quan Vũ đi ngang qua đây, liền lập tức chạy đến tiếp kiến, biểu đạt lòng ngưỡng mộ từ lâu, một lòng một ý muốn đi theo Quan Vũ, cam nguyện làm bộ tốt. Quan Vũ cảm động trước thành ý của Chu Thương và chấp nhận cho Chu Thương làm tùy tùng của mình.
Vẫn là tại Ngọa Long Sơn, sau khi đi theo Quan Vũ, Chu Thương nhận lệnh đi triệu tập nhân mã ở căn cứ Ngọa Long Sơn, nhưng không ngờ rằng căn cứ Ngọa Long Sơn đã bị Triệu Vân chiếm giữ. Chu Thương đã xông đến quyết đấu với Triệu Vân. Hai người giao chiến, Triệu Vân thắng liền mấy hiệp, Chu thương không phải đối thủ và trúng phải ba thương của Triệu Vân. Tuy nhiên Chu Thương vẫn có thể thoát thân bỏ chạy, điều này chứng tỏ bản lĩnh của Chu Thương cũng không phải dạng tầm thường.
Chu Thương cam nguyện vứt bỏ tất cả để làm tùy tùng đi theo Quan Vũ
Võ nghệ của Chu Thương
Chu Thương là một nhân vật hư cấu trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, hoàn toàn không có thật trong lịch sử. Tuy nhiên trong các ngôi miếu thờ Quan Công, Dân gian đều sắp xếp ông làm võ vệ bên cạnh Quan Vũ, gọi ông là "Chu đại tướng quân".
Chu Thương từng cùng Quan Vũ dẫn 300 người truy giết Trương Hợp ở Nhữ Nam. Tại Hoa Dung Đạo, Chu Thương cùng Quan Vũ mai phục chặn đường tháo chạy của Tào Tháo, khiến Tào Tháo phải lợi dụng giao tình cũ làm Quan Vũ cảm động mới có thể bảo toàn tính mạng.
Trong trận chiến Phàn Thánh, chính Chu Thương là người lao xuống nước bắt sống được Bàng Đức. Cần biết rằng Bàng Đức có thể đấu với Quan Vũ không dưới 50 hiệp, cho dù lúc đó là dưới nước nhưng để bắt sống được Bàng Đức chắc chắn không phải chuyện dễ dàng. Chứng tỏ võ công của Chu Thương cũng rất cao cường.
Chu Thương được dân gian gọi là Chu đại tướng quân, đặt làm hộ vệ cầm Yển Đao đao bên cạnh Quan Vũ trong các ngôi miếu thờ Quan Công
Sự trung nghĩa của Chu Thương
Chu Thương khi còn ở trong quân Hoàng Cân đã từng gặp Quan Vũ, bị sự anh dũng của Quan Vũ làm cho nể phục. Chu Thương tự thấy đáng tiếc cho bản thân mình khi là người của tặc doanh, vì vậy mà ông đã từ bỏ tất cả để đi theo Quan Vũ khi hai người có dịp gặp nhau ở Ngọa Long Sơn.
Sau khi Quan Vũ khinh suất đánh mất Kinh Châu, phải chạy đến Mạch Thành lánh nạn. Chính Chu Thương đã cùng với Vương Phủ trấn thủ Mạch Thành, kháng cự lại quân Đông Ngô, hi vọng cha con Quan Vũ có thể chạy thoát thành công. Tuy nhiên, cuối cùng Quan Vũ vẫn bị quân Đông Ngô bắt sống và xử trảm, Chu Thương hay tin cũng quyết định tự vẫn theo chủ tại Mạch Thành.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Chu Thương mặc dù chỉ là một nhân vật nhỏ nhưng lại được tác giả gửi gắm một thông điệp vô cùng ý nghĩa. Sự trung nghĩa của Chu Thương như một lời cảnh tỉnh về việc con người trong xã hội hiện thực đang bị nhiễu loạn bởi những dục vọng khác nhau mà dần dần làm đen đi trái tim màu hồng của mình.