Liên quan đến vụ việc một tài khoản Facebook đăng tải thông tin kể lại quá trình người mẹ đưa con tới Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên điều trị và cho rằng nhân viên y tế đã thờ ơ, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo gửi cơ quan chức năng.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, ngày 2/9 một tài khoản Facebook đã đăng tải thông tin gửi giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên. Theo đó, nội dung đăng tải kể lại quá trình người mẹ là chị Nguyễn Thị Mai Thảo (ngụ xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đưa con là cháu Lê Nguyễn Đăng Q. (6 tuổi) vào BVĐK vùng Tây Nguyên điều trị từ ngày 27/8 đến ngày 31/8 nhưng cho rằng bác sĩ, điều dưỡng đã thờ ơ kèm theo hình ảnh cháu bé bị chảy nhiều máu ở mũi.
Căn cứ vào nội dung báo cáo của BVĐK vùng Tây Nguyên, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng khoảng 11 giờ ngày 27/8, cháu Q. vào viện do bị ngã đau chân, bị sốt ở nhà 2 ngày. Kết quả thăm khám cháu bị sốt, mệt, đau đầu, sưng nề cổ bàn chân phải; ghi nhận không gãy, thương tổn xương trên phim. Bác sĩ chẩn đoán "sốt siêu vi, chấn thương bàn chân phải" nên đặt nẹp bột cẳng chân, kê đơn thuốc về nhà điều trị.
Chân của cháu Q. sưng phù. Ảnh chị Thảo cung cấp.
Lần thứ 2, khoảng 14 giờ ngày 28/8, cháu Q. nhập khoa cấp cứu do không đỡ sốt, rồi được chuyển vào Khoa Nhi tổng hợp của bệnh viện điều trị. Tại đây, cháu được chẩn đoán "viêm họng cấp, chấn thương phù nề cổ chân phải". Bệnh nhi được chỉ định đặt lại nẹp bột và sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt…
Tuy nhiên, đến khoảng 20 giờ 30 phút ngày 29/8, cháu Q. được đoán "theo dõi nhiễm trùng huyết, chấn thương cổ chân". Bệnh nhi được chỉ định đặt nẹp bột và sử dụng thuốc điều trị. Đến ngày 31/8, gia đình xin chuyển viện đến Bệnh viện Nhi Đồng II.
Cũng theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian điều trị, bệnh nhi được thăm khám 10 lần, xét nghiệm máu 15 lần, siêu âm, X – Quang 1 lần. Trong quá trình nằm viện, bệnh nhi được các bác sĩ giải thích tình trạng bệnh nhiều lần. Bệnh nhi sử dụng 16 lần thuốc giảm dau, hạ sốt, kháng viêm nên việc phản ánh nhân viên y tế thờ ơ, "không một viên thuốc kháng sưng" là không đúng. Đối với vấn đề chảy máu cam, sau khi người nhà chụp ảnh mới báo cho nhân viên y tế và được xử lí cầm máu ngay, chỉ định xét nghiệm.
Về vấn đề chẩn đoán bệnh, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng đây là một trường hợp khó trong chuyên môn. Đặc biệt là chẩn đoán nhiễm trùng huyết vì bệnh nhi chỉ có duy nhất 1 triệu chứng sốt cao liên tục nhưng bạch cầu máu không tăng trên nhiều xét nghiệm máu, ổ nhiễm trùng không rõ. Giờ thứ 28 sau nhập viện, bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết và được sử dụng kháng sinh theo đúng phác đồ. Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị tích cực, chẩn đoán sớm theo dõi nhiễm trùng huyết trước khi chuyển viện.
Mới đi vào hoạt động nhưng bệnh viện ngàn tỉ này đã nhiều lần bị tố thờ ơ.
"Tại thời điểm điều trị, Khoa Nhi tổng hợp đang tiếp nhận điều trị hơn 300 bệnh nhi, do đó có thể chưa giải thích cặn kẽ cho người nhà bệnh nhi về các vấn đề liên quan dẫn đến hiểu lầm trên đây. Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bệnh viện Nhi Đồng II cung cấp bản tóm tắt quá trình điều trị để có cơ sở tiếp tục xem xét, xử lý các nội dung phản ánh" - báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk nêu rõ.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, sau khi chị Thảo đăng tải nội dung trên facebook đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến bình luận tỏ ra bức xúc và kể lại câu chuyện của chính mình khi vào BVĐK vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, sau 5 ngày đăng tải, mạng xã hội Facebook đã ẩn nội dung này vì cho rằng nội dung "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi".