Dân Việt

Vì sao chính quyền các nước "thi nhau" lo ngại trước tiền ảo của Facebook?

Huy Nguyễn (Theo CNBC) 24/09/2019 18:55 GMT+7
Các nhà quản lý và lập pháp toàn cầu đã phải thực hiện rất nhiều cuộc họp và bàn tính kĩ lưỡng khi Facebook đưa ra kế hoạch ra mắt tiền ảo của riêng mình.

Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã gia tăng áp lực lên Libra, loại tiền kỹ thuật số được Facebook giới thiệu, trong bối cảnh lo ngại nó có thể phá vỡ mạch hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong thời gian vừa qua, thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu Benoit Coeure cảnh báo rằng các loại tiền ảo như Libra có thể thách thức quyền lực tối cao của đồng đô la Mỹ. Thông tin của Coeure dường như nhắc lại mối lo ngại của Tổng thống Donald Trump, người hồi đầu năm nay cho biết Libra sẽ “không có tầm ảnh hưởng cũng như độ tin cậy” như “đồng tiền chân chính” ở Mỹ là đô la.

img

Việc ra mắt loại tiền điện từ mới của Facebook đã vấp phải phản đối từ nhiều nước trên thế giới (Nguồn: CNBC)

Đây dường như là một chủ đề quen thuộc của một số nhà quản lý và các nhà lập pháp tại các quốc gia hiện nay, những người lo lắng Libra sẽ cạnh tranh với các loại tiền tệ do chính phủ ban hành. Điều này là do Facebook có tầm ảnh hưởng lớn với hơn 2,4 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng và các công ty trong Hiệp hội Libra, tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ hợp tác với Facebook, bao gồm cả những ông lớn như Uber, Visa, Vodafone.

Tuần trước, hai bộ trưởng tài chính của Pháp và Đức đã lên tiếng phản đối Libra, nói rằng kế hoạch chi tiết của Facebook đối với đồng tiền Libra đã “thất bại” trong việc giải quyết các rủi ro xung quanh an ninh tài chính, bảo vệ nhà đầu tư và luật chống rửa tiền. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire thậm chí còn nói ông “không thể cho phép sự phát triển của Libra trên đất châu Âu”.

Sau đó là vụ bê bối năm ngoái của Facebook xoay quanh vấn đề quyền riêng tư dữ liệu. Các cơ quan giám sát quyền riêng tư toàn cầu từ Anh, Mỹ và EU đã bày tỏ mối lo ngại về việc Facebook đề cập quá ít tới kế hoạch bảo mật thông tin của người dùng.

Lập luận của Facebook là họ sẽ không kiếm lời trên loại tiền điện tử mới. Thay vào đó Libra được gắn với một giỏ tiền tệ như USD để duy trì giá trị ổn định. Mục đích chính của loại tiền mới là cho phép mọi người chuyển tiền trên toàn cầu một cách dễ dàng. David Marcus, giám đốc điều hành đứng đầu dự án, nói rằng Libra “sẽ không là mối đe dọa với đồng tiền của các quốc gia”.

Theo các chuyên gia trong ngành, điều này cho thấy các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang buộc phải xem xét nghiêm túc về vấn đề tiền điện tử - dù Libra và tiền điện tử như Bitcoin có nhiều điểm khác biệt với nhau.

Ý tưởng về một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương dường như cũng đã được nhiều nước xem xét. Ví dụ như, ngân hàng Riksbank của Thụy Điển cũng đang tìm cách thử nghiệm phát triển một phiên bản kỹ thuật số của tiền tệ quốc gia trong năm nay.

Nóng: Facebook thừa nhận tiền ảo Libra có thể không bao giờ xuất hiện

Đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook có thể sẽ không ra mắt đúng như dự kiến vào năm 2020, cũng có thể hoàn toàn...