Đa dạng “đòn bẩy” giảm nghèo
Có thể nói, Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất đánh dấu một một bước chuyển quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế đối với đồng bào DTTS cũng như quan điểm của Chính phủ trong việc chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ “cho không” sang “cho vay”.
Gia đình ông Sùng A Khua (dân tộc Mông) ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vay vốn chính sách để nuôi bò, trâu. Ảnh: P.V
"Chính sách tín dụng đối với khu vực miền núi, đồng bào DTTS có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội ở vùng DTTS và miền núi”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến |
Từ đây, cùng với các chương trình tín dụng chính sách xã hội chung, các chính sách mang tính đặc thù, riêng có với độ phủ ngày càng rộng và sâu đã tạo thêm những hiệu ứng đột phá mới cho khu vực miền núi và DTTS - “lõi nghèo” của cả nước”. Đó là Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 9/6/2008 với việc phủ rộng thêm tín dụng chính sách đối với hộ DTTS ra 9/13 tỉnh vùng ĐBSCL giai đoạn 2008 - 2010. Tiếp đến cuối năm 2013, Chính phủ tiếp tục kéo dài các chương trình này và mở rộng cho vay đối với hộ DTTS để phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề đất ở, việc làm trong các Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg.
Đặc biệt với sự tham mưu của Ngân hàng CSXH, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Tỉnh Ninh Thuận, nơi có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 23,5%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và dân tộc Raglai. Từ năm 2004, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh xây dựng 2 đề án đầu tư vốn cho đồng bào DTTS, đó là đề án “Đầu tư vốn cho vay phát triển kinh tế - xã hội huyện Bác Ái” với 95% là đồng bào dân tộc Raglai và đề án “Đầu tư hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ nghèo dân tộc Chăm ở huyện Ninh Phước phát triển chăn nuôi đàn bò sinh sản và bò thịt vỗ béo”. Với gần 60 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách, các đề án trên đã giúp cho hộ đồng bào DTTS nghèo có vốn đầu tư chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo...
Lan tỏa chính sách nhân văn
Theo ông Dương Quyết Thắng, với phương thức giải ngân, thu nợ tại xã đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa số hộ DTTS sống tại vùng sâu, vùng xa, miền núi và vùng đồng bào DTTS đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi. Những con số này cho thấy hệ thống các chính sách tín dụng chung và chuyên biệt cho vùng miền núi và DTTS của Chính phủ và địa phương đan xen nhau đã và đang tạo thành lực đỡ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho 14,6 triệu đồng bào DTTS (chiếm 14% dân số cả nước). Nhìn lại 12 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 2 triệu hộ DTTS và miền núi thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162.000 lao động; giúp trên 211.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình NS&VSMTNT; xây dựng hơn 215.000 căn nhà ở... góp phần tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%.