Đụng độ nổ ra ở thủ đô Jakarta khi hàng nghìn người, trong đó có nhiều sinh viên, hôm 24/9 biểu tình đòi gặp chủ tịch quốc hội Bambang Soesatyo để bày tỏ sự phản đối với dự luật hình sự mới quy định về các mối quan hệ ngoài hôn nhân. Người biểu tình ném đá vào cảnh sát, khiến lực lượng an ninh đáp trả bằng hơi cay và vòi rồng.
Hơn 5.000 cảnh sát được cho là đã được triển khai để đảm bảo an ninh ở Jakarta. Tại các khu vực khác như hai thành phố Yogyakarta và Makassar trên đảo Sulawesi, biểu tình đã kéo dài sang ngày thứ hai. Những người tham gia tuần hành cho rằng dự luật vi phạm quyền riêng tư của họ.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Jakarta hôm 24/9. Ảnh: Reuters.
Theo dự luật hình sự sửa đổi đã được chính phủ Indonesia nhất trí vào tuần trước, những người sống chung với nhau ngoài hôn thú sẽ bị phạt tù 6 tháng hoặc phạt hành chính tối đa 10 triệu rupiah (740 USD), tương đương ba tháng lương của nhiều người Indonesia. Những người có quan hệ tình dục với người không phải vợ hoặc chồng mình mà bị một thành viên trong gia đình nộp đơn tố cáo có thể bị phạt tù một năm.
Dự luật cũng cấm quan hệ đồng giới, phạt tù 4 năm với những phụ nữ phá thai hoặc những người hỗ trợ phá thai mà không chứng minh được lý do khẩn cấp hoặc liên quan tới hiếp dâm, và hình sự hóa hành vi xúc phạm tổng thống.
Quốc hội Indonesia ban đầu dự kiến bỏ phiếu phê chuẩn dự luật vào ngày 24/9 nhưng Tổng thống Joko Widodo sau đó tuyên bố hoãn kế hoạch này để cân nhắc thêm về các điều khoản. Tuy nhiên, nhiều người Indonesia lo ngại rằng dự luật vẫn có thể được thông qua trong tương lai. Họ cũng bày tỏ giận dữ trước một luật mới về Ủy ban Xóa Tham nhũng của Indonesia.
"Chúng tôi sẽ đến quốc hội để phản đối luật mới về cơ quan chống tham nhũng, đó không phải là cơ quan ủng hộ nhân dân mà là ủng hộ tham nhũng", Fuad Wahyudin, 21 tuổi, sinh viên của một trường đại học Hồi giáo ở tỉnh Tây Java, nói.
Bộ luật hình sự mới của Indonesia đã được bàn thảo suốt nhiều thập kỷ nhằm thay thế bộ luật từ thời thuộc địa Hà Lan có tuổi đời đã 100 năm. Luật dự kiến có hiệu lực hai năm sau khi được phê chuẩn.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền mô tả đây là "thảm họa không chỉ với phụ nữ và các nhóm thiểu số về tôn giáo và giới tính mà là với tất cả người Indonesia". Các chính phủ nước ngoài thậm chí phát cảnh báo với công dân về dự luật mới của Indonesia.
Viện Cải cách Tư pháp Hình sự, một tổ chức phi chính phủ của Indonesia, cho biết hàng triệu người có thể bị bắt nếu luật mới được áp dụng. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 40% thanh thiếu niên Indonesia có quan hệ tình dục trước hôn nhân.