Dân Việt

Mỹ nhân hiếm hoi trong lịch sử Trung Hoa một mực từ chối làm hoàng hậu

Tùy Ý (Theo SH) 27/09/2019 08:05 GMT+7
Có thể nói, so với nhiều người, Âm Lệ Hoa là một mỹ nhân may mắn hiếm có trong lịch sử, gặp đúng người, đúng thời điểm, được chân mệnh thiên tử ưu ái, yêu thương cả một đời.

Trong thời cổ đại, "Hiền thê minh quân" là điều cực kỳ quan trọng đối với một đất nước. Bất kỳ một vì hoàng đế nào, dù tài giỏi đến đâu, nhưng không có một vị hoàng hậu đứng sau làm hậu phương vững chắc, sẽ khó có thể ngồi yên ổn trên ngai vàng. Ngược lại, nếu như có một vị hoàng hậu hiền huệ, thông minh, hiểu chuyện, giúp xử lý mọi rắc rối chốn hậu cung, để hoàng đế chuyên tâm triều chính, chắc chắn vương triều sẽ hùng mạnh, đất nước phát triển, muôn dân được nhờ.

Hôm nay, chúng ta nhắc đến một vị mỹ nhân, không chỉ có tướng mạo tuyệt mỹ, đoan trang hiền huệ, khoan dung rộng lượng lại biết ẩn nhẫn kiên cường, vì chồng mình mà cống hiến rất lớn. Nàng chính là Quang Liệt hoàng hậu Âm Lệ Hoa, hồng nhan tri kỷ của khai quốc quân chủ nhà Đông Hán - Quang Vũ Đế Lưu Tú.

Theo ghi chép, Âm Lệ Hoa sinh năm Nguyên Trị thứ 5, thời Hán Bình Đế, quê quán tại huyện Tân Dã, quận Nam Dương. Cha của Âm Lệ Hoa là Âm Lục, mẹ của bà là Đặng phu nhân, cũng là dòng họ quyền thế ở Nam Dương. Có thể nói, Âm Lệ Hoa chính xác là tiểu thư khuê các.

img

Hình minh họa

Ngược lại, thời điểm Âm Lệ Hoa gặp Lưu Tú, Lưu Tú chỉ là một thanh niên nhà nghèo. Mặc dù thông tuệ, hiểu biết nhưng gia thế không có, Lưu Tú chỉ biết âm thầm ngưỡng mộ, say mê Âm Lệ Hoa.

Chẳng ngờ, duyên phận đưa đẩy, Lưu Tú có cơ hội gặp gỡ Âm Lệ Hoa. Qua lần gặp gỡ này, Lưu Tú không chỉ rung động tuyệt đối trước nhan sắc diễm lệ của Âm Lệ Hoa, còn cực kỳ khâm phục trí tuệ và giáo dưỡng của nàng. Lúc đó, Lưu Tú thật nghĩ mình không xứng, đối với mỹ nhân ngày đêm mong nhớ không dám có tâm tư bày tỏ, chỉ biết thành thật, chăm chỉ, tự tin giao tiếp, hy vọng mỹ nhân quan tâm, để ý.

Cuối cùng, tấm chân tình của Lưu Tú cũng cảm động được mỹ nhân. Năm Canh thủy nguyên niên, Lưu Tú và Âm Lệ Hoa kết hôn.

Sau khi hai người kết hôn, khắp nơi xuất hiện bạo loạn, khởi nghĩa. Âm Lệ Hoa thấy Nam Dương không có gì để Lưu Tú phát triển, bèn đề nghị chồng chuyển đến Hà Bắc, còn mình ở lại để chăm lo gia đình.

Năm Canh Thủy thứ 2, để củng cố lực lượng quân đội trong chiến dịch tiêu diệt Vương Lang, Lưu Tú kết hôn với Quách Thánh Thông, chất nữ của quân phiệt Chân Định vương Lưu Dương.

Năm Canh Thủy thứ 3, Lưu Tú đã rời bỏ Canh Thủy Đế, tự xưng là Hoàng đế triều Hán, cải nguyên Kiến Vũ, tức Hán Quang Vũ Đế. Cuối năm đó, khi chiếm được Lạc Dương làm kinh đô, Lưu Tú đã cử 300 thuộc hạ đến hộ tống Âm Lệ Hoa đến kinh thành, phong làm Quý nhân, cùng tước vị với Quách Thánh Thông.

Kỳ lạ là Quách Thánh Thông xuất hiện, không làm ảnh hưởng đến tình cảm của Lưu Tú dành cho Âm Lệ Hoa. Vị khai quốc hoàng đế vẫn hết mức yêu thương vợ cả, còn có ý định tấn phong nàng làm hoàng hậu. Thế nhưng lúc đó Âm Lệ Hoa chưa sinh hạ hoàng tử, còn Quách Thánh Thông đã sinh cho Lưu Tú một hoàng tử là Lưu Cương. Thực tế, lúc đó các đại thần trong triều đều cảm thấy người vợ cả Âm Lệ Hoa của hoàng đế vô cùng thừa thãi, khó chấp nhận.

Thấy vậy, Âm Lệ Hoa cũng không hề làm to chuyện, thậm chí liên tục khuyên Hán Quang Vũ Đế nên lập Quách quý nhân làm hoàng hậu. Lý giải hành vi kỳ lạ này của Âm Lệ Hoa, nhiều sử gia cho rằng, Âm Lệ Hoa không chỉ xinh đẹp còn thông tuệ, dĩ nhiên hiểu được rằng chuyện lập hậu có thể ảnh hưởng đến sự bền vững của ngôi vị hoàng đế. Đặc biệt lúc này Hán Quang Vũ Đế chỉ mới vừa ổn định chính quyền, thế lực chưa vững, quyền lực vẫn chưa chân chính nằm hoàn toàn trong tay. Vì vậy, mặc dù Hán Quang Vũ Đế nhiều lần thuyết phục, Âm Lệ Hoa vẫn một mực từ chối. Nàng hiểu rõ, chồng mình đã làm vua một nước, không thể hành động tùy ý nữa rồi. Âm Lệ Hoa cam tâm tình nguyện chỉ là một quý nhân nho nhỏ, tương đương với việc hạ từ vợ cả xuống làm một thiếp thất.

img

Thế nhưng, mất cái nọ sẽ được cái kia. Mặc dù chỉ là quý nhân, Âm Lệ Hoa lại được Hán Quang Vũ Đế cực kỳ sủng ái, trân trọng. Dần dần, quần thần trong triều cũng bị nhân cách cao thượng, cách đối nhân xử thế hợp tình hợp lý của Âm Lệ Hoa thuyết phục, âm thầm công nhận vị mỹ nhân này là người nhân nghĩa, lương thiện lại khéo léo.

Về sau, khi đã dần thâu tóm được toàn bộ quyền lực, Hán Quang Vũ Đế quyết định phế bỏ Quách hoàng hậu, đưa hồng nhan tri kỷ của mình lên thay, gọi là Âm hoàng hậu, chính thức lấy lại địa vị vốn có của mình.

Từ đó, Hán Quang Vũ Đế và Âm hoàng hậu tình chàng ý thiếp, dù trải qua nhiều biến cố vẫn nắm chặt tay nhau vượt qua. Đến cuối đời, Hán Quang Vũ Đế vẫn chỉ dành tình yêu chân thành nhất, sâu nặng nhất cho Âm hoàng hậu.

Có thể nói, so với nhiều người, Âm Lệ Hoa là một mỹ nhân may mắn hiếm có trong lịch sử, gặp đúng người, đúng thời điểm, được chân mệnh thiên tử ưu ái, yêu thương một đời, thực sự là hồng nhan nhưng không bạc mệnh.