Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Tỉnh Bình Phước có 303.666 trẻ em (154.175 em nam, 149.491 em nữ), thì trong các năm 2011-2014, có 141 em bị xâm hại (141 nữ). Năm 2015-2019, có 200 em bị xâm hại (199 em nữ, 1 em nam)”.
Hầu hết các em bị xâm hại trên đều nằm trong diện bị xâm hại tình dục, mà chủ yếu là các trẻ em gái (nữ), gia đình nông dân ở các vùng sâu, vùng xa... Theo UBND tỉnh Bình Phước, những vụ xâm hại tình dục trẻ em vẫn thường xảy ra và ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
Bên cạnh các yếu tố tích cực là luật pháp ngày càng trừng trị nghiêm minh hành vi xâm hại tình dục trẻ em, thì vẫn còn tồn tại các hạn chế, khiến cho công tác xử lý, thực thi loại tội phạm nguy hiểm này chưa mỹ mãn.
Trong đó, việc ban hành các văn bản pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Văn bản chưa đủ sức răn đe, chưa đưa ra được định nghĩa chính thức các hành vi bạo lực xâm hại trẻ em.
Đồng thời, chưa quy định nghĩa vụ và thủ tục tố giác bắt buộc đối với hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Thiếu các quy trình hướng dẫn về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, bảo vệ nhân chứng…
Hiện trường một vụ "hiếp dâm" trẻ em xảy ra ở xã Tiến Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: H.H
Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh: Trong quy định về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử…, chưa chú trọng đặc tính dễ tổn thương của trẻ em bị xâm hại tình dục; khiến trẻ em căng thẳng, sợ hãi, khi tham gia tố tụng, không hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật.
Cụ thể như: Phòng xét xử các phiên toà về tội “xâm hại tình dục trẻ em” còn hạn chế, thiếu thốn, do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo quy định…
Thêm nữa, cán bộ các cơ quan tư pháp tham gia tố tụng, lẽ ra phải được đào tạo, bồi dưỡng về tâm lý trẻ em. Song, hầu như các cán bộ đều chưa được học các lớp chuyên sâu tâm lý này. Nên dẫn tới nhiều trường hợp, trẻ em đã bị xâm hại tình dục, thêm bị… “tổn thương lần 2”.