Tháng 6/221, Lưu Bị xưng đế tại Thành Đô. Không lâu sau đó, ông tuyên bố đem quân chinh phạt Đông Ngô để báo thù cho Quan Vũ.
Tháng 7 năm ấy, Lưu Bị dẫn theo đại quân Thục Hán khí thế bừng bừng tiến về phía Đông Ngô, dựng liên doanh kéo dài tới 700 dặm.
Sau khi nỗ lực nghị hòa thất bại trước sự cự tuyệt của phe Thục Hán, Tôn Quyền vì tránh rơi vào tình thế phải đối đầu cùng lúc với 2 chiến tuyến nên đã xưng thần với Tào Ngụy và được Tào Phi chấp thuận.
Theo nhận định của tờ báo Sohu (Trung Quốc), cuộc chiến giữa hai phe Tôn – Lưu vào năm ấy cũng được xem là thời cơ nhất thống thiên hạ ngàn năm có một đối với tập đoàn chính trị của gia tộc họ Tào khi đó.
Chỉ tiếc rằng vì Ngụy Văn Đế Tào Phi đã phạm phải một sai lầm trí mạng khi bỏ lỡ cơ hội này vì nhiều lý do khác nhau.
Cơ hội nhất thống ngàn năm có một do Tôn Quyền "dâng" đến tay Tào Phi
Dưới thời Tào Tháo, Tào Phi, tập đoàn chính trị Tào Ngụy vẫn được xem là thế lực lớn mạnh nhất thời bấy giờ. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Đánh giá về vị thế và năng lực của Tào Ngụy lúc bấy giờ, tờ báo Sohu cho rằng vào thời điểm bùng nổ trận chiến ở Di Lăng, thế lực của Tào Phi vốn sở hữu một cơ hội vô cùng thuận lợi.
Bởi khi ấy tập đoàn chính trị này đã đứng ở vị trí bất bại, hoàn toàn có thể nhân cơ hội nói trên để tiêu diệt trước một trong hai thế lực Ngô - Thục, sau đó từng bước thanh trừng phe đối địch còn lại và nhanh chóng thống nhất thiên hạ.
Cơ hội ngàn năm có một ấy cũng được rất nhiều đại thần Ngụy quốc nhìn ra. Bởi vậy mà ngay khi Tôn Quyền xưng thần, nội bộ Tào Ngụy đã chia thành 3 luồng ý kiến.
Luồng ý kiến thứ nhất do thị trung Lưu Diệp đứng đầu, chủ trương liên Thục phạt Ngô.
Luồng ý kiến thứ hai do Ngụy Văn Đế Tào Phi cầm đầu, chủ trương liên Ngô phạt Thục.
Luồng ý kiến thứ ba do Tư không Vương Lãng đề ra, kế sách là để cho hai bên Ngô – Thục đánh nhau đến lưỡng bại câu thương rồi chờ cơ hội thu lợi.
Việc Tôn Quyền chấp nhận cúi đầu xưng thần và cuộc chiến tranh giữa Ngô - Thục được xem là cơ hội nhất thống thiên hạ ngàn năm có một đối với Tào Ngụy. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Trong các ý kiến nói trên, không khó để nhận thấy chủ trương của Tào Phi và đại thần Lưu Diệp có thể coi là đối lập với nhau hoàn toàn.
Ủng hộ kế sách liên minh với Thục Hán để tiêu diệt Đông Ngô, thị trung Lưu Diệp cho rằng:
"Nay thiên hạ chia ba, Trung nguyên mười phần thì ta đã có tám. Ngô – Thục mỗi phe giữ lấy một châu, cậy vào núi cao sông lớn mà cố thủ, gặp nguy cấp thì cứu giúp lẫn nhau, ấy là cái lợi của tiểu quốc. Lúc này họ lại đánh lẫn nhau, đấy là ý trời khiến họ mất nước.
Chúng ta nên khởi đại binh, vượt sông lớn tập kích vào nước họ. Thục đánh bên ngoài, ta đánh bên trong, nước Ngô cùng chỉ không quá mười ngày là vong.
Ngô mất rồi thì Thục tất cô thế […] huống hồ Thục chỉ lấy được nơi biên ngoại, mà ta lại lấy được cả vùng đất ở phía trong".
(Trích "Tam Quốc chí" – "Ngụy chí" phần "Lưu Diệp truyện")
Tuy nhiên ý kiến này đã vấp phải sự phản đối từ phía Ngụy Văn Đế Tào Phi. Ông cho rằng:
"Người ta đã xưng thần mà ta lại đánh họ, làm vậy thì người trong thiên hạ sau này có lòng muốn hàng ta ắt cũng sẽ sợ hãi. Chi bằng ta đồng ý cho Ngô hàng, nhân đó mà tập kích phía sau quân Thục thì hơn".
Chọn quyết sách không dám mạo hiểm, Tào Phi cả đời ôm tiếc nuối ngàn thu
Ngay vào thời điểm hai luồng ý kiến giữa Tào Phi và Lưu Diệp đang tranh cãi hết sức gay gắt thì Tư không Vương Lãng đã đưa ra một kế sách: Chờ tới lúc Tôn – Lưu lưỡng bại câu thương thì Tào Ngụy sẽ ra tay.
"Tam quốc chí" phần "Vương Lãng truyện" từng chú dẫn phân tích của vị đại thần này:
"Nếu Tôn Quyền tự mình chống nhau với giặc Thục, đánh nhau lâu ngày, trí sức ngang nhau, quân không đánh nhanh, lúc đó đem quân để giúp thế oai rồi mới nên chọn tướng mà giữ chỗ trọng yếu, đánh vào chỗ yếu của giặc, chọn lúc mới điều quân, chọn đất rồi mới đi, thì một trận là không có lo gì khác.
Nay quân của Quyền chưa động thì đem quân giúp Ngô không bằng gọi họ trước. Vả lại nước mưa đang nhiều, không phải là lúc điều quân đem đi".
Không khó để nhận thấy ý tứ của Vương Lãng chính là để phe cánh Tôn Ngô tự thân chủ động trong cuộc chiến với Thục Hán.
Sau đó chờ tới khi hai phe đều có tổn thất thì quân Ngụy mới tham chiến, từ đó nắm chắc đại cục trong tay, vừa giảm rủi ro lại vừa tạo uy thế, đồng thời thu về lợi ích lớn nhất.
Tuy nhiên thực tế lịch sử đã cho thấy, ngay cả khi Ngô - Thục đã định rõ thắng thua ở trận Di Lăng thì Tào Ngụy cũng không thu về được những lợi ích như mong muốn. (Ảnh minh họa).
Bàn về kế sách của Vương Lãng, có ý kiến cho rằng đây là một sách lược hết sức cao minh, một mũi tên bắn trúng hai đích.
Cũng bởi vậy mà Ngụy Văn đế Tào Phi sau khi nghe xong phân tích của Tư không họ Vương thì đã đồng ý theo kế sách này, tạm thời án binh bất động, bỏ qua thời cơ cũng như cơ hội mạo hiểm để khai chiến và thôn tính một trong hai thế lực Ngô – Thục.
Thế nhưng có lẽ bản thân Vương Lãng và Tào Phi đều không thể ngờ được rằng, Tôn Quyền hay Lưu Bị dù trong hoàn cảnh nào cũng đều mang lòng đề phòng cao độ với Tào Ngụy.
Và thực tế lịch sử cũng đã cho thấy, sau khi Lưu Bị thảm bại ở Di Lăng rồi lui về Bạch Đế thành, Tôn Quyền nhanh chóng sai người đi nghị hòa với Thục Hán, song phương một lần nữa nối lại liên minh.
Sau đó, Tôn Quyền dù đã xưng thần với Tào Ngụy nhưng bên ngoài thì tỏ vẻ nhún nhường, còn bên trong lại tỏ ý bất thuận.
Đây vốn là điều mà đại thần Lưu Diệp năm xưa đã lường trước, chỉ tiếc rằng Tào Phi lại lựa chọn nghe theo ý kiến của Vương Lãng mà bỏ lỡ mất thời cơ ngàn năm có một.
Bất mãn trước thái độ của Tôn Quyền, từ năm 222 trở đi, Tào Phi nhiều lần ngự giá thân chinh đi đánh Đông Ngô, tuy nhiên hàng loạt trận chiến này nhìn chung đều không đem lại kết quả như mong muốn.
Về phần Tôn Quyền, dù đã xưng thần với Tào Ngụy trên danh nghĩa, tuy nhiên vị quân chủ này vẫn ấp ủ những mưu toan riêng đối với tập đoàn chính trị của mình. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Nếu năm xưa Tào Phi dám một lần mạo hiểm, nghe theo ý kiến của Lưu Diệp mà liên Thục phạt Ngô, hoặc liều lĩnh làm theo mưu sách của bản thân mà liên Ngô phạt Thục, thì thế cục thời Tam Quốc rất có thể sẽ được viết lại theo một cách khác, mà Tào Ngụy cũng có khả năng sẽ trở thành thế lực nhất thống thiên hạ.
Chỉ tiếc rằng Tào Phi vì e ngại nhiều điều mà bỏ qua cơ hội ngàn năm có một này. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng quyết định của Ngụy Văn đế trong trận Di Lăng năm ấy có lẽ chính là quyết sách sai lầm nhất trong cuộc đời của ông.
Thiết nghĩ nếu trận chiến Ngô – Thục xảy ra khi Tào Tháo còn tại thế, vị quân chủ này có lẽ sẽ không vì lo sợ nhiều điều mà bỏ lỡ cơ hội nhất thống ngàn năm có một ấy như con trai của mình…