Dân Việt

Vốn nhỏ, lãi lớn

08/12/2010 20:16 GMT+7
(Dân Việt) - Hướng dẫn ND xây dựng dự án sản xuất các cây, con cho hiệu quả cao, tạo thêm nhiều việc làm cho ND... đó là cách làm của Hội ND và Ngân hàng CSXH tỉnh Tiền Giang khi triển khai các chương trình cho ND vay vốn phát triển kinh tế.
img
Anh Nguyễn Phương Bình thu nhập cao nhờ trồng nấm bào ngư .

Nằm cặp giữa hai sông Cửa Tiểu - Cửa Trung, cù lao Tân Phú là một trong 6 xã đặc biệt khó khăn ở huyện mới thành lập Tân Phú Đông. Năm 2010 vẫn còn 1.100 hộ nghèo (chiếm 48,03%). Ông Nguyễn Trung Trực - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú lý giải: "Nguyên nhân do đất sản xuất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn rất nặng; hệ thống thủy lợi yếu kém, ND thiếu vốn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi".

Thoát nghèo

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Công Tây (phụ trách địa bàn huyện Tân Phú Đông) đã nhanh chóng hỗ trợ vốn ND. "Thấy trồng mãng cầu xiêm hiệu quả, chúng tôi cùng với Hội ND hướng dẫn ND xây dựng dự án trồng mãng cầu xiêm và giải ngân 300 triệu đồng cho 50 hộ thực hiện"- ông Phạm Thanh Điền-Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Công Tây cho biết.

img Năm 2010 trong số 17 dự án với số tiền gần 2 tỷ đồng Ngân hàng CSXH hỗ trợ, thì Dự án mãng cầu xiêm do Hội ND xã Tân Phú triển khai. Đời sống của 50 hộ tham gia dự án này nâng lên rõ rệt, các hộ đã hoàn trả gốc và lãi. img

Ông Phạm Thanh Điền- Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Công Tây

Chị Huỳnh Thị Hạnh - một trong những hộ vay vốn trồng mãng cầu, kể: Trước đây, 1ha đất gia đình chị trồng dừa và cấy lúa nhưng vẫn không xóa nổi nghèo. Sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), chị được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 5 triệu đồng để chuyển từ trồng lúa sang trồng mãng cầu xiêm ghép (tháp) với cây tháp bình bát (cây ưa nước phèn).

Sau vài vụ, chị không chỉ xóa xong nghèo, mà còn xây được ngôi nhà trị giá 200 triệu đồng, mua thêm 2.000m2 đất để mở rộng diện tích trồng mãng cầu xiêm.

"Hôm làm nhà, con trai tôi nói với thợ vẽ trên tường hình trái mãng cầu có hình đồng vốn của Ngân hàng CSXH để làm kỷ niệm" - chị Hạnh vui vẻ kể.

Ông Nguyễn Văn Viên-Tổ trưởng Tổ TK&VV thông tin, không chỉ gia đình chị Hạnh mà gia đình anh Nguyễn Ngọc Chiến, Nguyễn Thị Hương, Đặng Văn Trong... cũng thoát nghèo từ dự án vay vốn Ngân hàng CSXH trồng mãng cầu.

Làm giàu

Đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, để giúp ND có việc làm, thu nhập, năm 2009, Ngân hàng CSXH Tiền Giang đầu tư 100 triệu đồng vốn Quỹ Quốc gia về việc làm hỗ trợ 5 hộ thực hiện "Dự án trồng nấm bào ngư", do anh Nguyễn Phương Bình làm tổ trưởng.

img Tính đến 30-11, trong số 9 chương trình, tổng dư nợ 1.121 tỷ đồng Ngân hàng CSXH Tiền Giang thực hiện, 2 chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm hiệu quả nhất. img

Ông Lê Văn Trước - Giám đốc Ngân hàng CSXH Tiền Giang

Với 20 triệu đồng vay ngân hàng, cộng 18 triệu đồng của gia đình, vợ chồng anh cất nhà trồng nấm trên mảnh sân, thay nhau đi tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm kết hợp truy cập Internet giới thiệu về nấm bào ngư và mua 5.000 bịch phôi về sản xuất. "Đầu ra của nấm ổn định. Với 5.000 bịch phôi, sản xuất trên diện tích chưa tới 100m2, vợ chồng tôi thu gần 1.300kg sản phẩm, bán 15.000 đồng/kg" - anh Bình phấn khởi.

Diện tích trại nấm của gia đình anh Lê Xuân Việt rộng gấp đôi gia đình anh Bình. Với 30.000 bịch phôi, mỗi ngày anh hái trên 50kg nấm. Ngoài sản xuất, anh còn mở dịch vụ thu mua nấm và tạo việc làm cho 5 lao động nhàn rỗi trong gia đình. Anh Việt phấn khởi: "20 triệu đồng Ngân hàng CSXH cho vay trồng nấm đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, có tích lũy rồi".