Vấn đề đặt ra là họ chỉ bị xử lý hành chính hay phải chịu trách nhiệm hình sự?
Cần làm rõ việc tư lợi
Trong một văn bản gửi tới các cơ quan báo chí, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã kết luận: “... Mặc dù không có dấu hiệu tư lợi hay cố ý làm trái nhưng sự việc đã gây hậu quả nghiêm trọng”. Dư luận đồng tình với kết luận “đã gây hậu quả nghiêm trọng”, còn có tư lợi hay không, có cố ý làm trái hay không thì cần phải được làm rõ.
Ông Lê Văn Hiền (trái) nghe công bố quyết định đình chỉ công tác để làm kiểm điểm vụ việc (ngày 11.2). |
Phóng viên NTNN nhận được rất nhiều thông tin xung quanh việc huyện thu đầm nhà ông Vươn rồi sẽ giao lại cho ai, người được nhận đầm là “cánh hẩu” của ai... nhưng đó là những thông tin chưa được kiểm chứng. Việc khẳng định có tư lợi hay không là vô cùng quan trọng vì đó là dấu hiệu của tội phạm tham nhũng được quy định tại Điều 281/BLHS với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Với cơ quan công an, việc làm rõ có hay không động cơ vụ lợi không phải là việc khó, vấn đề là có điều tra hay không. Giống như việc phá hủy nhà của ông Đoàn Văn Quý và tháo đầm vơ vét thủy sản của nhà ông Vươn đã có dấu hiệu quá rõ ràng của tội hủy hoại và công nhiên chiếm đoạt tài sản công dân, bất luận ai là người ra lệnh và ai là người thực thi.
Việc điều tra thủ phạm nằm trong tầm tay của cơ quan công an. Thế nhưng, hơn một tháng sau, khi các cơ quan báo chí đã “day tận trán” những người trực tiếp phá nhà, ai chỉ đạo, cơ quan công an cũng vẫn cứ thờ ơ. Phải đến khi có chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, vụ án mới được khởi tố.
Cố ý làm trái
Về mặt nhận thức pháp luật xin miễn bàn, vì ông Nghĩa và ông Hiền đều là cán bộ đứng đầu một huyện. Trong khi đó, đối với trường hợp cụ thể này, Luật Đất đai quy định rất rõ ràng.
Điều 67 Luật Đất đai viết: “Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt”; Điều 34- khoản 1 Nghị định 181/CP của Chính phủ cũng quy định rõ: “Khi hết thời hạn sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản... được tiếp tục sử dụng đất...”.
Ngày 17.1.2003, UBND TP.Hải Phòng ban hành Quyết định số 127/QĐ-UB về quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển của huyện Tiên Lãng. Theo đó, xã Vinh Quang được xác định là 1 trong 6 xã nằm trong vùng quy hoạch này. Đối chiếu với các quy định nói trên thì gia đình ông Vươn và các hộ nuôi trồng thủy sản khác ở xã Vinh Quang và 5 xã ven biển còn lại của huyện có quyền được tiếp tục sử dụng đất chứ không thể bị thu hồi.
Hơn thế nữa, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hải Phòng đã từng có văn bản hướng dẫn gửi UBND huyện Tiên Lãng chỉ rõ: Căn cứ Điều 67 Luật Đất đai... nên ưu tiên các hộ nuôi trồng thủy sản nếu họ có nhu cầu sử dụng... Thế nhưng, tất cả những hướng dẫn đúng luật này đã không được ông Hiền triển khai thực hiện, vẫn cố tình cho thu hồi đất khi chưa có kế hoạch sử dụng đất, khi mà người dân vẫn tha thiết được tiếp tục sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Thu hồi đất đã sai, không bồi thường lại càng sai. Biết là sai vẫn tổ chức cưỡng chế sai gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vậy là có cố ý làm trái. Dư luận đang chờ câu trả lời từ cơ quan điều tra Công an TP.Hải Phòng.
Vũ Thị Hải