Trước những lo ngại về việc Bộ GTVT bất ngờ huỷ đấu thầu quốc tế triển khai xây dựng dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ khiến dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc lựa chọn nhà thầu có uy tín, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Công tác lựa chọn nhà đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 52 của Quốc hội xác định giai đoạn 2017 - 2020 có 11 dự án cao tốc Bắc – Nam. Trong đó, có 3 dự án đầu tư công đang triển khai. Hiện đã khởi công dự án Cam Lộ - La Sơn, các dự án khác năm nay sẽ khởi công. Đối với 8 dự án đối tác công tư, hiện đã chốt số km từng dự án và không thay đổi”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo.
Đối với một số dự án không có nhà đầu tư tham gia dự thầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng: “Nghị quyết Quốc hội đã chỉ rõ, trong trường hợp đoạn tuyến nào đó không có nhà đầu tư tham dự phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển hình thức đầu tư. Có thể là đầu tư công và không chỉ định nhà đầu tư”.
Không thể nói ngày chính xác đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành
Thông tin về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay: “Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư 8.769,97 tỷ đồng (tương đuơng 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, UBND TP.Hà Nội, các cơ quan liên quan và sự quan tâm, ủng hộ của của nhân dân Thủ đô cũng như người dân cả nước”.
“Tuy nhiên, khi thực hiện có nhiều yếu tố tác động, đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại chính chưa được hoàn thiện, gồm: Công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại, kiến trúc các nhà ga, hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu.
Các thiết bị đã lắp đặt Tổng thầu Trung Quốc (Công ty Hữu han Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ, để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống. Chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử... để đồng bộ hoá làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống là Công ty Tư vấn ACT của Pháp chưa có đủ cơ sở xác định mức độ án toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án sớm nhất. Sau khi chốt được mốc hoàn thành, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền về dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, phía tổng thầu Trung Quốc đề nghị đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành nhưng bộ GTVT từ chối vì Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khi đưa vào hoạt động tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải đảm bảo an toàn tuyệt đối nên Bộ Giao thông Vận tải phải xem xét các chứng chỉ, hồ sơ có đảm bảo hay không.
"Từ lâu dự án đã tồn tại còn 1% chưa hoàn thiện đã được nêu rõ rồi. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất chính là việc tập hợp hệ thống hồ sơ kèm theo dự án. Trong đó, hồ sơ về xây dựng cơ bản đã đầy đủ, nhưng hồ sơ về linh kiện xuất xứ từ lúc sản xuất cho đến khi lắp đặt thành hệ thống thì còn phải chờ.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng đã xong và đã chạy thử tàu xong, hệ thống bán vé cơ bản cũng đã hoàn thành, bây giờ phải tích hợp hệ thống nữa để hoàn thiện. Họ cũng đã đề nghị chạy rồi nhưng chúng tôi cho rằng phải tích hợp hệ thống xong đã. Thủ tướng đã chỉ đạo phải đưa vào khai thác với điều kiện phải đảm bảo an toàn nên phải xem xét hồ sơ chứng chỉ để xem có đảm bảo an toàn", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng không thể nói chính xác ngày đưa vào hoạt động vì "sợ nói mấy lần rồi nhưng không đúng tiến độ mọi người lại bảo nói mà không làm".
Lý do huỷ đấu thầu dự án cao tốc Bắc Nam
Đối với dự án cao tốc Bắc Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thông báo về việc lựa chọn Nhà đầu tư dự án xây dựng một số tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Trong đó, có dự án không có nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển và công bố huỷ sơ tuyển nhà thầu theo hình thức đấu thầu quốc tế.
Lý do huỷ đấu thầu quốc tế được Bộ GTVT nêu rõ: Trong quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT quán triệt tinh thần phải tiến hành nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định pháp luật, hiệu quả, khách quan, minh bạch và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Căn cứ những quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt Luật đấu thầu (Điều 15), đối với 8 dự án thành phần được Quốc hội phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT đã tiến hành sơ tuyển lựa chọn Nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế.
Tính đến cuối tháng 7/2019, sau 2 tháng kể từ thời điểm phát hành Hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển.
Kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; Có 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.
Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.