Dân Việt

Thần đồng Hàn Quốc IQ 210 hạnh phúc với cuộc đời 'thất bại'

Minh Trang 29/09/2019 07:00 GMT+7
Trong mắt truyền thông Hàn Quốc, Kim Ung-yong là một thất bại vì IQ tới 210 mà chọn cuộc sống bình thường. Thế nhưng, đối với Kim Ung-yong, cuộc sống bình thường mới là cuộc sống hạnh phúc.

"Tôi coi cuộc sống của mình là thành công. Không nhiều người làm được những gì mình muốn như tôi", Kim, hiện là giảng viên đại học ở ngoại ô Seoul, nói.

Kim Ung-yong sinh ngày 8/3/1962 ở Seoul, có bố là giáo sư vật lý và mẹ là giáo sư y khoa. Từ rất sớm, cậu bé Kim đã thể hiện sự vượt trội về trí tuệ. Một tuổi, Kim thuộc nằm lòng bảng chữ cái Hàn Quốc và 1.000 Hán tự. Lên ba, Kim giải được các bài toán và vật lý. 

4 tuổi, Kim đạt 210 điểm trong bài kiểm tra IQ vốn dành cho trẻ 7 tuổi. Nhờ đó, sách Kỷ lục Guinness công nhận Kim là một trong những người thông minh nhất thế giới.

img

Kim Ung-yong giải toán từ năm ba tuổi. Ảnh: Storypick.

Kim nói được tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nhật. Năm 1969, cậu bé 7 tuổi giải phương trình toán học trong một show truyền trình của Đài Fuji (Nhật Bản) và thu hút sự quan tâm của quốc tế. Khi bạn bè đồng lứa mới vào cấp một, cậu bé Kim đến Mỹ học ở Trường Trung học Grant và được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) mời về làm việc.

Gần 10 năm ở NASA là quãng thời gian cô đơn nhất cuộc đời Kim. "Tôi sống như cái máy. Thức dậy, giải các phương trình được giao, ăn, ngủ rồi lặp lại. Tôi thật sự không biết mình đang làm gì, tôi cô độc và không có bạn", thiên tài nhớ lại. 

Vì muốn ở cạnh gia đình, nhất là mẹ, Kim quyết định rời Mỹ về Hàn Quốc vào năm 1978. Như dự đoán, truyền thông quê nhà đua nhau đưa tin về sự kiện này. 

Kim "mệt mỏi và phát ốm vì một lần nữa trở thành trung tâm của sự chú ý", "cảm thấy như một con khỉ trong vườn thú". Để tránh tiếp xúc với báo giới, chàng trai trẻ tự nhốt mình trong phòng, đến mức một số người nghĩ cậu bị tâm thần.

Do chủ yếu học ở nhà, Kim không có bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông - những giấy tờ bắt buộc khi đi xin việc tại Hàn Quốc. Không còn cách nào khác, Kim "làm lại từ đầu". 

Tất nhiên, đó không phải trở ngại với người sở hữu IQ 210. Kim lấy bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong hai năm. Sau đó, cậu đăng ký vào ngành kỹ thuật dân dụng Đại học Quốc gia Chungbuk, ngoại ô Seoul.

"Năm đầu tiên, tôi sống như một học sinh tiểu học. Năm thứ hai, tôi là học sinh trung học cơ sở. Năm thứ ba, tôi là học sinh trung học phổ thông. Năm cuối cùng, tôi là một sinh viên bình thường", Kim mô tả về quãng thời gian học đại học. 

Hoàn thành bậc cử nhân, Kim tiếp tục học lên tiến sĩ, tham gia trợ giảng ở Đại học Quốc gia Chungbuk và làm ở phòng kế hoạch kinh doanh cho một công ty bất động sản. Năm 2014, ông chính thức trở thành giảng viên ở Đại học Shinhan và được chọn làm phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bắc Kyeong-gi. 

"Tôi rất hào hứng. Giảng dạy đại học là ước mơ từ lâu của tôi", Kim chia sẻ. "Tôi sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục thế hệ sau".

img

Đối với Kim Ung-yong, hạnh phúc là được sống cuộc đời bình thường. Ảnh: Hwang Jurie

Dù nỗ lực né tránh truyền thông, đôi khi, Kim vẫn bị nhắc đến như một tấm gương xấu cho những đứa trẻ thông minh. Ông nhận định xã hội quan tâm quá nhiều đến IQ trong khi đây chỉ là một yếu tố thể hiện tài năng con người.

"Một số người nghĩ rằng IQ cao đồng nghĩa với toàn năng nhưng điều này không đúng. Nhìn tôi này, tôi không có tài năng âm nhạc hay thể thao", Kim lý giải. Ông tiết lộ thêm mình không còn sử dụng trôi chảy tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Anh. Điều đó chứng tỏ IQ cao không đi liền với trí nhớ hoàn hảo.

"Xã hội kỳ vọng tôi trở thành quan chức cao cấp trong chính phủ hoặc công ty lớn. Nhưng không ai có quyền gọi cuộc đời tôi là thất bại chỉ vì tôi không đáp lại kỳ vọng đó", Kim nói.

"Chúng ta không nên đánh giá một cá nhân qua những tiêu chuẩn phiến diện. Ai cũng có khả năng, giấc mơ riêng mà người khác cần tôn trọng".