Những ngày qua người dân Sóc Trăng không ngớt bàn tán về việc Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum ký quyết định số 1542, chi gần 1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng để lắp camera cho tất cả cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban này gồm 16 người, đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu có nhà riêng ở An Giang.
Sau khi ông Huỳnh Văn Sum ký quyết định 1542 vài ngày thì Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí xin nghỉ hưu trước tuổi. Thay ông Trí và vừa được bầu vào Ban Thường vụ là ông Lâm Hoàng Nghiệp, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng.
"Lấy của công làm của riêng"Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thành Trí cho biết nhà riêng đã lắp camera từ trước và nghỉ hưu được vài tháng nên không nghe chuyện Tỉnh ủy Sóc Trăng có đề án lắp đặt camera. Còn ông Nghiệp mới được bầu bổ sung nên cũng chưa tiếp cận thông tin từ quyết định 1542.
Xem qua quyết định do ông Sum ký, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu nói rằng ngân sách Đảng cũng là tiền Nhà nước được phân bổ hàng năm. Cụ thể, quyết định 1542 lấy căn cứ là quyết định 3241 của UBND tỉnh Sóc Trăng ngày 10/12/2018 về việc giao dự toán chi ngân sách năm 2019 cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.
"Cái này là lấy của công làm việc tư. Hồi tôi còn làm đâu có chuyện đó. Nếu nói nhà của lãnh đạo tỉnh là mục tiêu cần bảo vệ của công an thì công an lắp camera chứ tại sao lại lấy kinh phí của Đảng. Nếu xuất ngân sách thì phải xem lại. Ngân sách đó cũng là Nhà nước cấp qua", ông Hiếu nói.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thành Hiệp thì nói: "Tôi nghỉ hưu 10 năm rồi, lúc đó không có chuyện lắp camera nhà lãnh đạo. Nhà tôi thì tôi tự lắp vì camera bây giờ rẻ, một cái chỉ mấy trăm nghìn đồng".
Mục tiêu chống khủng bốTheo đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, đơn vị này từng kiến nghị cấp trên lắp camera tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vì đây là mục tiêu bảo vệ của cơ quan công an.
"Thực tế là phong trào lắp camera chưa mạnh mẽ lắm nên chúng tôi phải kiến nghị Ban Thường vụ lắp, kinh phí của Tỉnh ủy vì bên mình không có. Ở góc độ an ninh, mình kiến nghị thôi", ông Ngọc chia sẻ.
Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, nói: "Gắn camera ở đây là những điểm phòng chống khủng bố nằm trong quy định. Những điểm cần bảo vệ như trụ sở ủy ban, Tỉnh ủy, nhà riêng các lãnh đạo là những điểm cần đảm bảo an ninh trật tự. Một số trục đường cần thiết chúng tôi cũng lắp camera".
Qua quan sát của Zing.vn, lối vào nhà ông Lâm Văn Mẫn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, trên đường Lê Hồng Phong (TP Sóc Trăng) có 8 camera lắp từ đầu đến cuối hẻm. Vài tuần nay, ông Mẫn chuyển nhà, những camera trong hẻm đường Lê Hồng Phong được để lại để dùng vào công tác phòng chống tội phạm.
"Trước đây, mấy anh em có lại, tôi nói khỏi lắp trong nhà, lắp trước cửa và ngoài đầu hẻm đi vào. Đầu thu và màn hình đặt tại Công an phường 3 để bảo vệ toàn khu vực từ đầu đến cuối hẻm. Hẻm này tình hình an ninh trật tự rất phức tạp nên gắn camera là để phục vụ chung cho tất cả bà con trong hẻm", vị Phó bí thư Tỉnh ủy nói.
Tại nhà đại tá Trần Văn Lâu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng, có 10 camera gắn xung quanh. Trong nhà vị sĩ quan quân đội có đầu thu và màn hình để các thành viên gia đình quan sát bên ngoài.
Theo đại tá Lâu, hệ thống camera hoạt động rất tốt, không chỉ cho gia đình ông mà còn phục vụ cho công tác an ninh trong khu vực.
Zing.vn nhiều lần liên hệ Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu nhưng vị này không nghe máy.