Theo ông Vũ Đình Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm, cơ sở này đang đào tạo miễn phí tổng cộng 24 ngành nghề cho gần 300 NKT. Đây đều là những nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như cắm hoa, trang điểm, sửa xe gắn máy, sửa điện thoại di động, điện tử, tin học, cắt tóc... Học viên là NKT, bị khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ từ 21% trở lên, nhưng có ý chí và nghị lực vươn lên,không muốn là gánh nặng của gia đình.
Ngoài học nghề hoàn toàn miễn phí, trung tâm còn hỗ trợ ăn uống cho NKT với chế độ 240.000 đồng/người/tháng, bố trí chỗ ở nội trú cho khoảng 60 học viên khuyết tật nặng, ở xa. Đội ngũ giáo viên trước khi giảng dạy được huấn luyện một khóa học đặc biệt về cách giao tiếp, gần gũi, nắm bắt tâm lý NKT, biết cảm thông nỗi đau mà học viên gánh chịu, biết kiên nhẫn giảng giải cặn kẽ cho từng em. Bởi dạy cho NKT rất khó và một khóa học của họ lúc nào cũng kéo dài hơn từ 3 – 6 tháng. Phải là những người thật sự tâm huyết, yêu nghề mới có thể sát cánh cùng các em.
Ngoài đào tạo nghề, bổ trợ văn hóa, Trung tâm còn liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, kể cả một số tỉnh lân lận để tạo việc làm cho lao động. Chị Trần Thị Doan – nhân viên tư vấn cho biết: “Những học viên muốn thực hiện các dự án của bản thân sau khi tốt nghiệp, như mở cửa tiệm, kinh doanh…
Trung tâm sẽ cho vay tiền với lãi suất 0%, mức vay tối đa 30 triệu đồng/người”. Ngoài ra, Trung tâm còn xây dựng xưởng hỗ trợ người khuyết tật nặng, tạo việc làm cho học viên ngay tại chỗ. Hai công việc chủ yếu tại xưởng gồm ép áo mưa và lắp ráp vi mạch điện tử. Mỗi học viên có thể kiếm thêm từ 20 – 30 nghìn đồng/buổi làm việc tại đây.
Nguyên Nghi