Về xã Cẩm Tú những ngày đầu năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự "thay da, đổi thịt" của nơi đây. Đâu đâu cũng thấy nhà tầng, nhà ngói... Sự no đủ, hiển hiện trên khuôn mặt của mỗi người dân. “Tất cả là nhờ cây mía cả. Năm nay, mía được mùa, được giá nên bà con ăn tết cũng tươm hơn” - ông Hoàng Tiến Nhân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú nói với chúng tôi.
Mía - cây làm giàu của nông dân xã Cẩm Tú. |
Cây trồng mới trên đất mới
Ông Nhân cho hay, xã Cẩm Tú có diện tích 1.888ha, dân số 6.545 người (3.200 hộ), gồm hai dân tộc Kinh và Mường, trong đó đồng bào Mường chiếm hơn 60% dân số. Trước kia, bà con chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn, nhưng năng suất thấp nên cuộc sống của người dân rất khó khăn.
Năm 1995, Nhà máy Đường Việt - Đài ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) có chủ trương mở rộng vùng nguyên liệu. Thấy đây là cơ hội tốt để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền xã Cẩm Tú đã vận động người dân trồng mía thay cho cây ngô, sắn.
Vì đây là cây trồng mới, lạ lẫm về quy trình, kỹ thuật sản xuất nên lúc đầu nhiều người không đồng ý. Nhưng được sự tư vấn cũng như những cam kết của nhà máy về việc hỗ trợ đầu vào (giống, phân bón, kỹ thuật) và lo đầu ra 100%, nên người dân đã “liều” trồng loại cây mới này.
Mặc dù được cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, nhưng do người dân chưa quen canh tác cây mía, nên 1-2 năm đầu không có lãi, thậm chí nhiều nhà còn lỗ tiền phân, giống. Trước tình hình này, nhà máy và chính quyền xã đã nâng mức hỗ trợ rủi ro, đồng thời mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân. Kết quả là cây mía đường đã dần khẳng định được vị trí ở vùng đất mới, sản lượng và diện tích liên tục tăng lên.
Nông dân đã giàu lên
Chủ tịch Nhân cho biết: "Hiện xã có 298ha mía đường, năng suất trung bình đạt trên 60 tấn/ha, với tổng doanh thu gần 25 tỷ đồng/năm, đang tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương. Nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu, xây được nhà tầng, mua ô tô, xe máy đắt tiền...". Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở Cẩm Tú giảm hơn 10% so với năm 2010, hiện xã chỉ còn hơn 10% hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới. Nhờ ND tăng thu nhập, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm của xã cũng được đầu tư khang trang hơn.
Ông Hoàng Tiến Nhân
Bà Phạm Thị Thanh ở thôn Lương Thành từng nhiều năm thuộc diện hộ nghèo. Nhờ cây mía, bây giờ bà đã là tỷ phú. "Trồng mía đường mặc dù đầu tư nhiều, vất vả, nhưng thu tiền cục. Nếu cứ trồng ngô, sắn như trước không biết đến bao giờ gia đình tôi mới khá lên được. Lúc đầu, tôi chỉ trồng 5ha mía, thấy có lãi nên thầu thêm và hiện tôi có hơn 50ha. Trừ chi phí, mỗi năm tôi lãi khoảng 1,2 tỷ đồng và đang tạo việc làm cho 20 lao động, với thu nhập 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng" - bà Thanh không ngại ngần tiết lộ.
Tỷ phú Nguyễn Văn Hải (đội 3) trồng 20ha mía, mỗi năm anh bỏ túi từ 500 - 600 triệu đồng. Ngoài ngôi nhà cao tầng khang trang, anh đã mua ô tô tải để vận chuyển phân bón, mía, đồng thời chở thuê cho các hộ dân.
Không chỉ bà Thanh, anh Hải, còn có hàng trăm hộ trong xã mỗi năm bỏ túi trên 100 triệu đồng từ cây mía, như các anh Lê Văn Công, Nguyễn Văn Toàn, Hoàng Văn Mạnh...
Việt Tùng - Hồ Điệp