Lộ trình đổi mới đảm bảo tính khả thi
Theo phương án thi được Bộ GDĐT đề xuất, từ năm học 2021-2025, học sinh hoàn thành chương trình 12 sẽ được nhận Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT do hiệu trưởng cấp. Nếu học sinh có nhu cầu dự thi để nâng giấy này lên Bằng tốt nghiệp THPT thì sẽ được tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia.
Kỳ thi năm 2020 thí sinh vẫn sẽ thi tốt nghiệp trên giấy. (Ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019). Ảnh: V.P
"Việc điều chỉnh thi trên giấy sang máy tính là đúng đắn và cần triển khai sớm. Tuy nhiên, trước mắt chưa chuẩn bị được điều kiện thi trên máy tính thì cần phải xây dựng song song cả phương án thi trên giấy. Đồng thời, việc cấp Giấy chứng nhận học hết chương trình lớp 12 cho các em thì giấy này có tác dụng, giá trị gì đối với học sinh, điều này đều cần phải làm rõ, tránh gây tranh cãi, gây khó cho các em”. Ông Lê Đông Phương |
Cũng theo báo cáo này, Bộ GDĐT đề xuất thi bằng 2 phương thức là trên giấy và có lộ trình cụ thể cho việc bắt đầu áp dụng hình thức thi trên máy tính. Đối với phương thức thi trên máy tính, thí sinh sẽ được tham dự các đợt thi được phân bố trong năm, địa điểm thi có thể nằm tại các đơn vị khảo thí độc lập đáp ứng các quy định cụ thể của Bộ GDĐT. Để đảm bảo được tính khả thi của phương thức này, Bộ GDĐT cho biết, sẽ tăng cường ngân hàng đề thi, cơ sở hạ tầng và kiểm soát chất lượng thi. Các trường đại học, phổ thông có điều kiện nên phối hợp doanh nghiệp để chuẩn bị về phần kỹ thuật.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, bất cứ đổi mới nào cũng có thách thức. Đổi mới thi lần này được thực hiện theo lộ trình chắc chắn, thận trọng, có căn cứ, thí điểm, tiếp thu, rút kinh nghiệm. Giai đoạn này sẽ áp dụng công nghệ vào hình thức tổ chức thi sao cho gọn nhẹ, chính xác, không phải đổi mới cả kỳ thi.
"Thi trên giấy hay máy tính cũng chỉ là hình thức, không máy móc nào thay thế được con người. Đội ngũ khảo thí được chuẩn bị tâm thế, công nghệ tốt mà không quản lý tốt cũng khó thành công. Tới đây, Bộ GDĐT rà soát, tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí trên cả nước” - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Ngoài ra, giai đoạn 2021 - 2025 còn có thay đổi ở việc cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích hợp phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.
Học sinh vùng khó sẽ thiệt thòi?
Chia sẻ quan điểm về việc sử dụng máy tính trong kỳ thi THPT, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS-TS Trần Văn Tớp cho rằng, phương thức thi trên máy tính là xu hướng của thi cử hiện nay. Trường ĐH Bách Khoa cũng đã tổ chức thi các môn Ngoại Ngữ, Tin học đại cương trên máy tính. Tuy nhiên, việc tổ chức thi ra sao, ứng dụng kỹ thuật cụ thể vào kỳ thi lại cần phải làm rõ để đảm bảo tính công bằng, khách quan.
Lấy ví dụ, PGS-TS Trần Văn Tớp đặt vấn đề sự chênh lệch về việc tiếp cận với máy tính của học sinh tại các thành phố lớn và học sinh ở vùng sâu, vùng xa là rất lớn. “Học sinh ở vùng sâu, vùng xa thường chỉ được tiếp xúc với máy tính qua các giờ thực hành, giờ thí nghiệm. Vì thế có thể các em không có đủ kỹ năng dùng máy tính. Nếu thi cử như vậy thì có thể khiến thí sinh bỡ ngỡ.
Hơn nữa, để đánh giá kỳ năng lực của một kỳ thi có độ phủ rộng 63 tỉnh, thành, cần tập trung nguồn lực trí tuệ, xây dựng nguồn dữ liệu đủ lớn. Bộ dữ liệu đủ lớn theo các lĩnh vực từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Trong câu hỏi tích hợp nhiều kiến thức, môn học khác nhau và liên tục cập nhật. Những người xây dựng đến từ các thầy cô dạy phổ thông, giảng viên các trường đại học. Điều này cũng cần một sự đầu tư nhân lực, trí lực, tiền bạc không ít”.
Mặc dù đồng thuận với xu hướng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận dần với phương thức thi cử trên thế giới, nhưng nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ băn khoăn đối với quá trình triển khai phương thức thi này.
Theo các chuyên gia giáo dục, mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Nếu thi bằng máy tính, chúng ta cần tập trung cùng lúc 1 triệu máy tính giống nhau về tốc độ xử lý, cấu hình. Rõ ràng điều này không thể dễ dàng như chuẩn bị 1 triệu bộ giấy thi, đề thi trên giấy được.
Ngoài ra, việc đảm bảo tính bảo mật của kỳ khi được tổ chức làm nhiều đợt trong năm cũng là một vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng.
Về vấn đề này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận định, ưu điểm của thi trên máy tính là có kết quả tức thì, có thể tổ chức thi nhiều lần trong năm, không phải tổ chức hội đồng thi rườm rà, phức tạp, có thể giảm tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, việc này cũng tạo nên những lo ngại như cơ sở vật chất không đồng đều, trình độ không tương xứng ở các địa phương.
“Số lượng máy tính khó đáp ứng nhu cầu thực tế, nếu để công ty bên ngoài hỗ trợ thì không khả thi. Chưa kể, nếu máy tính bị trục trặc cũng sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm lí của thí sinh. Đặc biệt, thí sinh được tiếp xúc nhiều với máy tính dĩ nhiên sẽ có thời gian làm bài sẽ nhiều hơn so với các em ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn. Ngoài ra, phải tính tới cả yêu cầu về chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin của giám thị cũng phải cao hơn. Mình đang sử dụng công nghệ để giảm sự tham gia của con người nhưng khi đưa công nghệ vào lại xuất hiện thêm một số nhân tố, con người mới thì những người dùng phần mềm đó có để xảy ra tiêu cực không?” - ông Dũng đặt vấn đề.
Thi trên máy sẽ giảm áp lực “Các kỳ thi trên máy tính sẽ được tổ chức nhiều lần tại các Test sites ở từng địa phương, sử dụng mạng máy tính nội bộ của Test sites. Học sinh lớp 12 được tạo cơ hội để đăng ký dự thi nhiều lần theo nguyện vọng cá nhân. Tổ chức thi như vậy sẽ không còn việc nhiều lực lượng và các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT duy nhất hàng năm. Sự căng thẳng và áp lực chung cho cả xã hội về một kỳ thi cùng thời điểm trên toàn quốc sẽ không còn tồn tại. Ưu điểm của việc thi trên máy tính đã được kiểm chứng bằng việc các Test sites chuyên nghiệp của các nước phát triển đã khuyến khích các thí sinh đăng ký dự thi IELTS trên máy tính, hạn chế việc thi trên giấy. Một thực tiễn sống động hơn cả là Pearson Test of English Academic (viết tắt là: PTE Academic) hoàn toàn thi trên máy tính cả bốn kỹ năng (nghe, đọc, nói và viết) sử dụng công nghệ Artificial Intelligent để chấm điểm, có nghĩa là phần mềm của máy tính sẽ chấm điểm bài thi, không phải con người chấm thi, nên tuyệt đối không có sự can thiệp của con người vào kết quả thi. PTE Academic hiện đã có Test sites tại Việt Nam”. PGS-TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm kiểm định Cần thí điểm kỹ trước khi áp dụng “Việc đưa công nghệ vào thi cử là đương nhiên nhưng những nơi “phên dậu” Tổ quốc thì chưa áp dụng ngay được. Phải thí điểm và đánh giá nghiêm túc phương thức này để triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Chỉ khi nào có thí điểm và tổng kết xây dựng lộ trình mới nên triển khai thi trên máy tính ở diện rộng. Cần nghiên cứu về hình thức thi trên máy tính để phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, cũng như tác động đến người học, nguồn nhân lực trong tương lai bởi thi cử liên quan trực tiếp người dân. GS-TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Hà My (ghi) |