Cụ thể, tỷ lệ ương từ cá bột lên cá giống chỉ đạt khoảng 10%, tốc độ tăng trưởng trong quá trình nuôi thương phẩm chậm, bệnh xuất hiện nhiều. Nguyên nhân chính là do chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết, do cạnh tranh thiếu lành mạnh nên các cơ sở sản xuất cá bột cho đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều trong năm… Cũng theo Tổng cục Thủy sản, theo phản ánh, hiện nay hầu hết các cơ sở sinh sản nhân tạo cá bột đều sử dụng thuốc kích dục không rõ nguồn gốc được nhập từ Trung Quốc nên ảnh hưởng đến chất lượng cá bột giống.
Tính đến hết năm 2011, toàn vùng ĐBSCL có trên 220 cơ sở sản xuất giống (cho sinh sản nhân tạo) và trên 2.000ha diện tích nuôi từ cá bột lên cá giống; tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… Sản lượng cá giống toàn vùng đạt xấp xỉ 2,4 tỷ con (tương đương khoảng 24 tỷ con cá bột).
Để từng bước thay thế đàn cá tra bố mẹ hiện nay tại vùng ĐBSCL, Viện Nghiên cứu, Nuôi trồng thủy sản II đã cơ bản hoàn thành Dự án "Chuyển giao đàn cá bộ mẹ có tính trạng di truyền cao" (bàn giao 85.000/100.000 con cá bố mẹ hậu bị cho các địa phương).
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Giải pháp trước mắt là khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất giống cá tra chất lượng. Đồng thời, thống kê, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất giống, kiểm soát chất lượng cá bố mẹ và cá giống. Các địa phương và tổ chức phát triển đàn giống cá tra hậu bị đã được Viện Nghiên cứu, Nuôi trồng thủy sản II bàn giao để sinh sản và thay thế toàn bộ đàn cá bố mẹ kém chất lượng bằng cá bố mẹ chất lượng cao theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT.
Đức Khánh