Dân Việt

An Giang là 1 trong 2 tỉnh dẫn đầu miền Tây về xây dựng NTM

Hồng Cẩm 30/09/2019 13:24 GMT+7
Ngày 30/9, tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (MTQG XD NTM), giai đoạn 2010 – 2020, ký kết giao ước thi đua giai đoạn 2021 – 2025. Là tỉnh có xuất phát điểm thấp, sau 10 năm xây dựng NTM, tỉnh An Giang đã tạo đột phá trong chính sách triển khai thực hiện, trở thành một trong hai tỉnh dẫn đầu (An Giang và Hậu Giang) phong trào xây dựng NTM khu vực ĐBSCL.

Chính sách đột phá:

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên viên thường trực Chương trình MTQG XD NTM tỉnh An Giang, cho biết: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, trong xây dựng An Giang chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện xuất phát điểm của địa phương.

img

Mô hình trồng dưa lưới đầu tư theo hướng nông nghiệp công nghệ cao ở phường Mỹ Hòa, Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh: TL.

Cụ thể, tỉnh chọn xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo thực hiện, rồi rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương khác. Tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng công nghệ cao; vận dụng linh hoạt và sáng tạo các giải pháp về nguồn vốn và thủ tục đầu tư để thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển mới các khu, cụm công nghiệp; đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, đặc trưng của địa phương từ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

img

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được An Giang ứng dụng khá thành công.

Trong các năm qua, các ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương đã vận dụng sáng tạo nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong vận động xây dựng NTM, như mô hình: “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”, “Hội mái ấm tình thương”, “Đội thiện nguyện xây cầu”, “Nông dân giỏi tham gia phát triển sản xuất xây dựng NTM”, “Chiếu sáng làng quê”, “Tuyến đường hoa”…

Hiệu quả tích cực

Theo báo cáo, sau gần 10 năm xây dựng NTM, tính đến đầu tháng 9/2019, toàn tỉnh có 54/119 xã đạt chuẩn xã NTM đạt tỷ lệ 45,38%, bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã (tăng 8,74 tiêu chí/xã so với giai đoạn 2010 - 2015), có 11 xã đạt chuẩn trước lộ trình và toàn tỉnh không còn xã dưới 9 tiêu chí.

Tỉnh An Giang có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; trong đó có 1 huyện NTM là huyện Thoại Sơn, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Châu Đốc và Long Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

img

An Giang tích cực ứng dụng Khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Theo kế hoạch, đến tháng 12/2019, toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn xã NTM, đạt tỷ lệ 51,26% (tăng 48 xã so với giai đoạn 2011 - 2015) và hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hơn 1 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.

Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn liên tục giảm qua các năm, kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 9,28%, đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,67% (theo chuẩn đa chiều). Bình quân khu vực nông thôn có 114/119 xã đạt tiêu chí về lao động việc làm chiếm tỷ lệ 95,8%. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 92,78%. Tính đến cuối năm 2019, bình quân khu vực nông thôn có 79/119 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất, chiếm tỷ lệ 66,39%. Giai đoạn 2010-2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình MTQG XD NTM gần 14.800 tỷ đồng…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG XD NTM tỉnh, đánh giá cao kết quả mà tỉnh đạt được trong 10 năm qua. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại nhất định, như: Tiến độ xây dựng thời gian qua còn thấp, do nguồn vốn đầu tư Trung ương chưa cao; một số chỉ tiêu đạt chưa cao (như BHYT, tỷ lệ giảm nghèo); một bộ phận người dân nhận thức chưa cao, còn tâm lý ỉ lại; cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng đều…

img

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG XD NTM tỉnh An Giang

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình chính thức phát động phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 -2025".

Để thực hiện được kế hoạch trên, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Tiếp tục nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu NTM làm sao đảm bảo tính bền vững của chương trình. Đối với các tiêu chí không bền vững cần có giải pháp cụ thể tiếp tục hoàn thiện đảm bảo tính bền vững khi đạt chuẩn NTM.

An Giang tăng cường công tác xã hội hóa về giáo dục, văn hóa, y tế, đặc biệt là vận động xã hội hóa tiếp tục nâng chất các công trình giao thông; nghiên cứu và vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ ngành Trung ương để đầu tư thực hiện các công trình giai đoạn 2021 – 2025.

An Giang cũng tập trung phát triển kinh tế gắn với quy hoạch phát triển sản xuất đảm bảo thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chương trình NTM. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; củng cố và nâng cao hoạt động kinh tế tập thể…“