Theo ông Huỳnh Văn Sum, việc lắp camera xuất phát theo yêu cầu đề xuất của Công an tỉnh nhằm để bảo vệ mục tiêu, trong đó có nhà riêng của lãnh đạo. “Tuỳ theo nhà lớn, nhà nhỏ khác nhau mà lắp nhiều hay ít, chủ yếu để phủ kín dễ quan sát” - ông Sum nói.
Ảnh minh hoạ
Ông Sum còn cho biết, để rộng đường dư luận, tới đây, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Sóc Trăng sẽ có thông tin chính thức về việc này.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, đại tá Lê Minh Quang - Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhiệm vụ của công an tỉnh là đảm bảo an ninh, phòng chống khủng bố trên địa bàn, bao gồm trụ sở của các cơ quan Đảng, Nhà nước, kể cả nhà riêng các lãnh đạo.
Quyết định triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh tại nhà riêng của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng.
“Hiện nay chỉ có 12/16 nhà lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng được lắp camera, một số người chưa được lắp”, ông Quang nói.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng, việc lắp camera tại nhà riêng của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy góp phần tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ một số mục tiêu đề ra. Hiện nay, phương án lắp camera an ninh cũng được công an khuyến khích người dân tự nguyện lắp đặt.
Trước đó, ngày 24/4/2019, Tỉnh uỷ Sóc Trăng có quyết định số 1542 về việc triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh tại nhà riêng của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đó, quyết định giao dự toán kinh phí không tự chủ từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng Tỉnh ủy thực hiện lắp đặt camera an ninh nhà riêng của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được bảo mật, với dự toán kinh phí là 981.927.000 đồng.
Liên quan đến sự việc tỉnh Sóc Trăng lấy kinh phí từ nguồn dự phòng của Đảng để lắp đặt camera an ninh tại nhà riêng cho 16 lãnh đạo trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối cho biết, vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Cụ thể, theo luật sư Hùng, Luật Cảnh vệ đã quy định rõ những trường hợp được đảm bảo an ninh. Theo đó những đối tượng cảnh vệ gồm có: Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; Khu vực trọng yếu (khu vực làm việc của Trung ương Đảng, khu vực làm việc của Chủ tịch nước, khu vực làm việc của Quốc hội, khu vực làm việc của Chính phủ…); Sự kiện đặc biệt quan trọng; Căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, khi xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định. Nếu theo Luật cảnh vệ, rõ ràng những trường hợp lãnh đạo UBND, Tỉnh ủy không thuộc diện được áp dụng các biện pháp an ninh, bảo vệ. Việc Tỉnh uỷ Sóc Trăng làm như vậy là trái quy định pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước. Hòa Nguyễn (ghi) |