Mới đây, Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Bảo vệ Người tiêu dùng (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Hội Khoa học & Kĩ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của Hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Nhiều chuyên gia nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang ngày càng phức tạp với nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm. Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… đang tiếp diễn với nhiều hình thức vi phạm tinh vi, đầu độc sức khỏe của người Việt.
Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ tràn lan sẽ khó kiểm soát an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa
Minh chứng về vi phạm của thực phẩm bẩn, PGS.TS Ngô Tiến Hiền (Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam) dẫn chứng hàng loạt vụ việc như việc dùng hóa chất để tăng trọng mỡ nước, dùng chất cấm làm giò chả, nem chua tại một số địa phương, hay việc ngâm cá, mực, tôm… với muối phốt phát tăng trọng, bơm thạch hóa chất vào tôm...
“Những việc làm này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người Việt. Mặc dù đã có sự nỗ lực vào cuộc của cơ quan chức năng, song vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, tình trạng sử dụng hóa chất, kháng sinh, các loại chất cấm trong trồng trọt chăn nuôi vẫn diễn ra”- PGS Hiền cho biết.
PGS Hiền hiến kế, các Hiệp, Hội trong năng lực của mình nên rà soát, đánh giá hệ thống quy phạm pháp luật, đánh giá thực trạng và giải pháp quản lý, sử dụng chất cấm, hóa chất nông nghiệp và kháng sinh, đánh giá thị trường, khung pháp lí và chế tài xử phạt.
Cùng với đó, các Hội, Hiệp hội cần tăng cường thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức, hội nghị, hội thảo để nâng cao vai trò của người tiêu dùng; tham gia vào việc cấp chứng nhận, tôn vinh thương hiệu, sản phẩm an toàn thực phẩm. Hay như các đơn vị có thể tham gia các chương trình hành động quốc gia, tháng an toàn thực phẩm và kháng kháng sinh…
TS Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm đứng đầu cả nước, với trên 10 triệu người tiêu thụ khoảng 800-900 tấn thịt mỗi ngày; cùng với đó thủ đô cũng có 1.500 điểm chợ, điểm nhà hàng, siêu thị kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ dẫn đến tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan, khó kiểm soát được an toàn thực phẩm.
Theo TS Sơn, để làm tốt vấn đề về an toàn thực phẩm, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, từ nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất, đến các tổ chức xã hội và bản thân người tiêu dùng.
Đồng thời, cần thực hiện sản xuất theo chuỗi. Đây là xu thế tất yếu hiện nay để đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong quá trình phát triển của các chuỗi liên kết, các tổ chức Hội, Hiệp hội, HTX có vai trò quan trọng như: đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; tổ chức sản xuất (rất quan trọng); hỗ trợ lấy mẫu phân tích chất lượng sản phẩm; Đẩy mạnh sử dụng thịt mát, thịt cấp đông để đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng cửa hàng tiện ích nhằm nhân rộng sản phẩm và đảm bảo tính tiện lợi cho người tiêu dùng; truy xuất nguồn gốc sản phẩm.