Dân Việt

Giá xăng dầu ngày 1/10: Lao dốc mạnh

Hà Kiều 01/10/2019 08:30 GMT+7
Ngày 01/10/2019, giá dầu thế giới giảm mạnh hơn 3% do triển vọng nền kinh tế Trung Quốc vẫn yếu và sản lượng khai thác dầu thô của Arab Saudi đã phục hồi lên mức trước thời điểm hai mỏ dầu bị tấn công.

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh hơn 3%

Đầu giờ sáng nay (01/10) theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn tháng 11/2019 giảm mạnh 1,84 USD/thùng, tương đương 3,40% xuống 54,07 USD/thùng trên sàn New York.

Tại thị trường London, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 11/2019 giảm 1,13 USD, tương đương 1,86% còn 60,78 USD/thùng.

img

 Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm mạnh hơn 3%

Kết phiên giao dịch ngày hôm qua (30/9), giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh do triển vọng nền kinh tế Trung Quốc vẫn yếu ngay cả khi số liệu tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo được cải thiện. Đồng thời sản lượng khai thác dầu thô của Arab Saudi phục hồi cũng gây áp lực lên giá dầu.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 9 đã tăng lên 49,8 cao hơn so với mức 49,5 trong tháng 8, song vẫn ở dưới mốc 50 điểm - ranh giới phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Tính chung trong quý III, giá dầu Brent giảm 8,6% và dầu WTI giảm hơn 6% do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Điều này ảnh hưởng xấu đến nhu cầu dầu thô.

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, mới đây cảnh báo về sự bất ổn trên thị trường quốc tế sẽ xảy ra nếu có thêm bất kì xung đột nào trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Một số nguồn tin cho biết tổng thống Donald Trump đang cân nhắc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Tại Arab Saudi, công suất khai thác dầu thô đã được phục hồi lên mức 11,3 triệu thùng/ngày, tương đương ngưỡng trước thời điểm hai mỏ dầu bị tấn công. Trước đó, vụ tấn công đã gây thiệt hại 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương 50% công suất khai thác của cả nước. Điều này cũng gây áp lực lên giá dầu vì nguồn cung tăng.

75% sản lượng xăng dầu Việt Nam nhập khẩu từ Malaysia, Hàn Quốc và Singapore

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 9, cả nước nhập khẩu 214.191 tấn xăng dầu, với tổng kim ngạch đạt hơn 124 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn, tổng kim ngạch 3,97 tỷ USD.

Đáng chú ý, sản lượng và kim ngạch đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, sản lượng giảm 2,4 triệu tấn, kim ngạch giảm 1,97 tỷ USD.

4 nhóm sản phẩm nhập khẩu chính của Việt Nam trong nhóm xăng dầu là: Xăng, dầu diesel, dầu mazut, nhiên liệu bay. Trong đó, xăng và dầu diesel là những mặt hàng có sản lượng giảm nhiều nhất, 2 mặt hàng còn lại biến động không nhiều so với cùng kỳ 2018.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, xăng dầu các loại được nhập khẩu về Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay chủ yếu đến từ các thị trường châu Á như Malaysia, Hàn Quốc, Singapore. Trong đó, thị trường Malaysia đạt 1,8 triệu tấn, giảm 25,6%; Hàn Quốc với 1,54 triệu tấn, giảm 31,4%; Singapore với 1,4 triệu tấn, giảm 29,4%...

Với 4,74 triệu tấn, riêng 3 thị trường châu Á này đã chiếm tới hơn 75% tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Việc giảm nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam là điều dễ hiểu khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã vận hành ổn định hơn 1 năm qua.

Ngày 01/10, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường trong nước không cao hơn mức giá sau:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 19.114 đồng/lít;

- Xăng RON95-III: không cao hơn 20.143 đồng/lít;

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.200 đồng/lít;

- Dầu hỏa: không cao hơn 15.362 đồng/lít;

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.090 đồng/kg

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm, giá xăng Việt Nam dự báo tăng

Đầu tuần, giá dầu thế giới tiếp đà giảm, trong khi đó giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ tăng trong kỳ điều...