Trong suy nghĩ của nhiều người, kiến là loài vật có thể cắn dẫn đến các vết ngứa, sưng đau. Nhưng có một loại kiến đỏ ở Ấn Độ là nguyên liệu tạo ra một món ăn được nhiều người biết đến.
Tại các bang phía Đông Ấn Độ như Chhattisgarh, Odisha và Jharkhand, kiến đỏ và trứng của chúng là nguyên liệu để tạo nên một hỗn hợp "chutney"(có thể tạm hiểu là tương ớt hoặc sốt).
Người dân địa phương gọi nó chaprah có vị cay, nóng. Theo thông tin từ một số người Ấn Độ, mức giá bán của sản phẩm này là 250 Rupee/200g (~82.000 đồng/200g). Nếu mua 1kg, khách sẽ phải tốn khoảng hơn 400.000 đồng.
Việc thu hoạch loại kiến đỏ làm ra hỗn hợp này không dễ dàng. Bởi vì, mỗi tổ kiến được bao bọc xung quanh là các con kiến đực có trách nhiệm bảo vệ các con cái đẻ trứng.
Khi có dấu hiệu nguy hiểm cho tổ, các con đực sẽ tấn công người thu hoạch.
Người thu hoạch sẽ phải chịu đựng bị kiến đực cắn sau đó bắt chúng rồi cho vào túi, sau đó mới thu hoạch trứng và các con kiến cái.
Kiến được thu hoạch trước khi mặt trời mọc, vì nếu có ánh sáng mặt trời chiếu vào sẽ làm kiến tản ra khỏi tổ.
Sau khi thu hoạch xong, trứng và kiến được đem ra nghiền rồi làm khô.
Sau khi chúng khô sẽ thêm cà chua, tỏi, gừng, muối và đường tạo thành hỗn hợp và bán cho mọi người. Nhưng người dân địa phương cũng có thể giã nhuyễn thêm để trữ ăn dần với cơm hoặc các món khác.
Loại hỗn hợp này rất cay vì kiến chứa hàm lượng axit fomic cao. Ngoài kiến, các gia vị được thêm vào cũng làm cho món này cực kỳ cay, nóng.
Sản phẩm này được cho là có thể kháng khuẩn, giúp cơ thể ngăn các vi khuẩn có hại xâm nhập hệ tiêu hóa.
Người bán sẽ đặt hỗn hợp trên các chiếc lá màu xanh và gói lại rồi trao cho khách mua.