Như Dân Việt thông tin, ngày 30/9, phiên tòa xét xử vụ án bán thuốc giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma tiếp tục ngày thứ 4. Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà đã đề nghị Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an, cần điều tra và khởi tố hành vi làm lộ bí mật Nhà nước của cá nhân, tổ chức, trong vụ án VN Pharma.
Trước đó, ngày 27/4/2018, Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an nhận được tập tài liệu do ông Ngô Nhật Phương (doanh nhân, trú tại TP.HCM) cung cấp. Đến tháng 6/2018, ông Phương nộp tài liệu này cho tòa án.
Tại phiên tòa ông Phương cho biết: “Những tài liệu này do quan hệ cá nhân mà có (?). Các tài này đã được hợp pháp hóa lãnh sự”. Tuy nhiên, đến ngày 20/9, Bộ Y tế mới có "giải mật" những tài liệu trên.
Doanh nhân Ngô Nhật Phương .
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Tp.Hà Nội cho biết: “Theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác”.
Cũng theo luật sư, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài liệu, thông tin là bí mật nhà nước có trách nhiệm giữ bí mật, bảo vệ theo quy định pháp luật. Luật bảo vệ bí mật nhà nước quy định Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước. Lộ bí mật nhà nước là trường hợp người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước.
Điều 5 của luật này quy định rõ về những hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước.
Khoản 11, Điều 7 luật này quy định, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong lĩnh vực thông tin về y tế, dân số chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc: Thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; Chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; mẫu vật, nguồn gen, vùng nuôi trồng dược liệu quý hiếm; Quy trình sản xuất dược liệu, thuốc sinh học quý hiếm; Thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số.
“Vậy nên trong vụ việc này CQĐT sẽ xác minh làm rõ những tài liệu mà người làm chứng cung cấp có phải là tài liệu mật theo quy định pháp luật hay không? Nếu là tài liệu mật thì tài liệu này do cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm bảo vệ? Có hành vi làm lộ bí mật nhà nước từ việc tiết lộ các thông tin, tài liệu từ tài liệu này hay không?
Nếu có căn cứ xác định tài liệu mật trong lĩnh vực y tế hoặc các lĩnh vực khác thuộc diện nhà nước quy định bảo vệ mà có người đã vô ý hoặc cố ý làm lộ bí mật nhà nước sẽ xem xét xử lý theo quy định pháp luật” – luật sư cho hay.
Các bị cáo đã nói lời sau cùng tại phiên toà.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội danh và hình phạt đối với hành vi làm lộ bí mật nhà nước trong hai trường hợp cố ý và vô ý làm lộ bí mật nhà nước.
Cụ thể, người quản lý bí mật Nhà nước không mong muốn việc mất tài liệu, lộ tài liệu mật, không lường trước được hậu quả làm mất, làm lộ tài liệu có thể xảy ra nhưng do quá tự tin hoặc do cẩu thả dẫn đến việc làm lộ bí mật của nhà nước thì người có trách nhiệm bảo vệ bí mật là lỗi vô ý. Tội danh này sẽ bị xử lý với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Trường hợp người đang nắm giữ, quản lý tài liệu mật, thông tin thuộc dạng mật, tối mật hoặc tuyệt mật đã cố ý làm lộ bí mật nhà nước thể hiện ở việc mong muốn tải liệu, thông tin đó được phát tán, mong muốn chuyển thông tin, tài liệu đó cho người khác (người không có chức năng, không có thẩm quyền quản lý, không được biết) sẽ bị xử lý về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Theo quy định tại Điều 337 BLHS, tội danh và hình phạt cao nhất là 15 năm tù.