Dân Việt

Ông Ngô Nhật Phương phản bác VKS vụ VN Pharma

Hải Duyên 01/10/2019 16:28 GMT+7
Doanh nhân Ngô Nhật Phương khẳng định được đối tác Ấn Độ cung cấp tài liệu về thuốc H-Capita, VKS kiến nghị điều tra "lộ bí mật nhà nước" là vô căn cứ.

Ngày 1/10, ông Ngô Nhật Phương (người có quyền và nghĩa vụ liên quan) trong vụ cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm bị xét xử tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh đã gửi đơn đến TAND, VKSND TP HCM và các cơ quan tố tụng. Ông cho biết rất ngạc nhiên khi đại diện VKS kiến nghị "điều tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước", trong đó nhắc đến việc ông nộp "tài liệu mật" cho cơ quan điều tra và tòa trước khi Bộ Y tế giải mật.

"Các tài liệu tôi có về lô thuốc H-Capita không liên quan đến tài liệu Bộ Y tế, mà do cơ quan chức năng Ấn Độ cung cấp. Tôi đề nghị đại diện VKS thay đổi kiến nghị về tôi bởi quan điểm này vô căn cứ. Tôi là doanh nhân, việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Phương nói.

Ông Phương cho biết, gần 2 năm trước gặp một số người bạn Ấn Độ tại Phnom Penh, Campuchia. Họ mời ông mua một số mặt hàng dược nhưng ông từ chối vì lúc đó báo chí đăng tải thông tin cho là thuốc ung thư H-Capita giả có nguồn gốc từ Ấn Độ. Những người này cho biết "Hiệp hội Dược Ấn Độ, những người kinh doanh dược và các cơ quan chức năng Ấn Độ rất quan tâm đến việc này", bởi nếu kết luận thuốc VN Pharma nhập về là hàng giả và kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành dược Ấn Độ và việc kinh doanh của họ trên toàn cầu. Họ khẳng định lô hàng 9.300 lô thuốc H-Captita được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals, đã được cơ quan chức năng của Ấn Độ kiểm tra và kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP (WHO).

img

Ông Ngô Nhật Phương. Ảnh: Hữu Khoa.

Họ cũng bày tỏ mong muốn làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam, và nhờ ông Phương làm cầu nối. Tuy nhiên, do lúc đó ông bận ở lại Campuchia nên nói họ cứ về Sài Gòn, ông nhờ 2 nhân viên phiên dịch là Loan và Minh đưa đến Bộ Công an và TAND TP HCM cung cấp tài liệu về thuốc H-Capita. Trong đó có ông Subrata Kumar Burman - thành viên cao cấp của Hiệp hội dược Ấn Độ. Lúc này, ông Phương vẫn không biết họ nộp tài liệu gì cho tòa.

Khi bản án sơ thẩm lần đầu bị TAND Cấp cao tuyên hủy, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an mời ông Phương lên làm việc. "Tôi đã trình bày rõ nếu cơ quan điều tra cần tôi giúp gì tôi sẽ giúp", ông Phương nói trong đơn.

Ông Phương cho biết thêm, do cùng một số doanh nhân Ấn Độ đầu tư xây dựng một tổ hợp Dược theo tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu tại Việt Nam nên biết họ đã nộp tài liệu cho Cơ quan chức năng Ấn Độ. Theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam, họ sẽ đến nhà máy Affy Parenterals tiến hành kiểm tra về lô thuốc H-Capita. Sau khi đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam đến, họ sẽ dẫn đi kiểm tra và bàn giao hồ sơ đầy đủ để chứng minh lô hàng này sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals và chuyển lên Đại sứ quán Việt Nam để hợp pháp hóa lãnh sự.

Ông Phương đề nghị sau khi hợp pháp hóa lãnh sự xong cho ông xin vài bộ. Họ sau đó đã nhờ người ở Việt Nam chuyển đến nhà cho ông. Hiện nay, phía Ấn Độ còn giữ nhiều bộ hồ sơ giống như bộ họ đã đưa cho ông. "Các tài liệu tôi có không có đóng dấu mật của Đại sứ quán hoặc các cơ quan nào khác theo quy định, và tất cả đều do phía Ấn Độ đưa", ông Phương khẳng định.

Theo ông Phương, việc hợp pháp hóa của Đại sứ quán là công khai minh bạch, có trên Internet, thông báo trên bảng công khai tại phòng Hợp pháp hóa Lãnh sự của sứ quán, ai muốn tìm hiểu cũng được. Hơn nữa, các tài liệu này đã được công chứng tại Việt Nam. Trong danh mục phân loại về tài liệu mật không có tài liệu hợp pháp hóa dân sự và hành chính...

Ngoài ra, khi Thanh tra Chính phủ kết luận về quá trình thanh tra Bộ Y tế cũng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Thanh tra Chính phủ cũng đúng như hồ sơ và đơn kiến nghị của phía Ấn Độ ban đầu. "Việc cung cấp tài liệu liên quan nhằm giúp các cơ quan điều tra, làm rõ vụ án là trách nhiệm của công dân. Tôi cũng không sử dụng hay phát tán các tài liệu này ra ngoài xã hội", ông Phương nói.

Ông Phương tiếp tục khẳng định, lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals, Ấn Độ là thuốc thật, đúng tiêu chuẩn để chữa bệnh cho người. Từ tháng thứ 13, sau khi trưng cầu giám định mới là thuốc kém chất lượng. Điều này là bình thường trong ngành dược thế giới và Việt Nam.