Theo Ban tổ chức, năm 2019, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam có 6 sự kiện chính tạo nên 6 điểm nhấn hấp dẫn.
Vượt qua thách thức để thành công
Trong nhiều hoạt động, sự kiện của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” thì hoạt động bình chọn và tôn vinh, trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ là điểm nhấn quan trọng và được cán bộ, hội viên, nông dân cả nước mong chờ.
Trang trại “khổng lồ” rộng 180ha của ông Phan Văn Thà-người trồng nhiều cao su, mít Thái, bưởi da xanh nhất trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019. Ảnh: Nguyên Vỹ
Từ tháng 11/2018 đến 7/2019, Hội đồng bình chọn chung khảo do Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam chủ trì đã nhận được tổng cộng 147 hồ sơ đề cử bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” do Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố gửi về. Trên cơ sở hồ sơ thành tích của 147 gương mặt nhà nông tiêu biểu, các thành viên của Hội đồng bình chọn chung khảo đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và đi tới thống nhất chọn ra được 63 người xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.
Trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 có 53 nam và 10 nữ; có 5 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 là đồng bào dân tộc thiểu số; người ít tuổi nhất là anh A Thi, dân tộc Rơ Ngao đến từ tỉnh Kon Tum, người cao tuổi nhất là ông Trần Thành Nam đến từ tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Hồng Cương (phường Quỳnh Di, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) với mô hình nuôi tôm giống, doanh thu 50 tỷ đồng/năm. Ảnh: C.T
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam khẳng định, 63 nông dân được bình chọn đều là những người rất xứng đáng, là những bông hoa đẹp trong 3 phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân Việt Nam, trong đó trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Năm 2019 là một năm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có nhiều bất lợi như dịch tả lợn châu Phi hoành hành khắp 63 tỉnh, thành phố gây thiệt hại lớn cho nông dân; xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều rào cản kỹ thuật; thiên tai bão lũ, triều cường xảy ra tại nhiều địa phương. Những khó khăn, bất lợi đó đều phản ánh ít nhiều trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.
63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” được chia làm 5 nhóm: Nhóm có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực kinh doanh dịch và và trang trại có 13 nông dân; Nhóm có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực trồng trọt có 15 nông dân; Nhóm có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới có 12 nông dân; Nhóm có thành tích xuất sắc trong nuôi trồng thủy sản có 16 nông dân; Nhóm có thành tích xuất sắc trong sáng chế, giải pháp kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn là 7 nông dân. |
Nhưng nhờ sự nhanh nhạy, nắm bắt diễn biến, xu hướng những bất lợi mà không ít “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” đã có giải pháp tốt hoặc chuyển đổi kịp thời để hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế. Điển hình là ông Võ Hữu Thời (Đồng Nai) đã kịp bán hết lợn trước khi dịch tả lợn châu Phi “Nam tiến” và dùng vốn chuyển sang thành lập HTX dịch vụ du lịch sinh thái.
Hay ông Nguyễn Ngọc Sang (Bình Định) đã kịp thời thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đảm bảo được “sinh mạng” của hàng nghìn con lợn và bán với giá khá cao. Cũng như ông Sang, bà Nguyễn Thị Bắc (Lai Châu) cũng đã phòng dịch tả lợn châu Phi thành công sau một thời gian “cấm trại, nội bất xuất, ngoại bất nhập” và bán được lợn hơi ở thời điểm giá tăng cao.
Không may mắn như ông Sang, bà Bắc, đàn lợn nái, lợn thịt của gia đình anh Nguyễn Hồng Chuyên (Điện Biên) đã bị dịch tả lợn châu Phi “quét sạch” mấy trăm con lợn, thiệt hại cả tỷ đồng. Nhưng nhờ “đa canh” nên gia đình anh đã gượng dậy và tiếp tục phát triển, có thu nhập tốt từ mô hình nuôi gà đen, ngan đen đặc sản của vùng đất Tủa Chùa.
Chuyển hướng sang nuôi các loại vật nuôi bản địa, sức đề kháng cao, giá trị kinh tế cao, điển hình là bà Lý Thị Nga (Cao Bằng). Từ bỏ việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, bà Nga bắt tay vào làm trang trại chăn nuôi lợn. Khi những lứa lợn thịt được xuất chuồng thì cũng là thời điểm lợn hơi rớt giá thảm hại. Bà Nga đã kịp thời bỏ nuôi lợn lai trắng chuyển sang nuôi giống lợn hương bản địa và đã thành công…
Năm 2019, ngành thủy sản nói chung, lĩnh vực nuôi cá tra nói riêng gặp bất lợi từ sự suy giảm thị trường, giá giảm khiến lợi nhuận của nông dân bị co hẹp. Nhưng với những nông dân nuôi cá tra có bản lĩnh, kinh nghiệm thì vẫn thu được những thành công. Đó là trường hợp của ông Ngô Văn Đậu (An Giang). Bí quyết thành công của ông Đậu là cùng với các hộ nông dân bắt tay nhau xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi được những con cá tra đúng kích cỡ, đạt tiêu chuẩn chất lượng và giá thành cạnh tranh.
Tôn vinh những nông dân xuất sắc
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2019 còn có các chuỗi sự kiện, hoạt động đáng chú ý: Tổ chức buổi họp báo công bố Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” và công bố kết quả Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam lần thứ 6 - năm 2019; tổ chức đoàn “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đưa đoàn “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” tham quan, học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc). |
Một trong những điểm nhấn của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2019 sẽ là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Theo kế hoạch, Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào tối ngày 12/10/2019 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương. Đặc biệt, trong không khí trang trọng của buổi lễ, 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sẽ được tôn vinh và đón nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Trước Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”, trong khuôn khổ Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam còn có một số hoạt động nổi bật, có ý nghĩa thiết thực. Đó là Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA - Cùng nông dân đi chợ thế giới”. Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 4 hứa hẹn sẽ diễn ra sôi nổi, bổ ích tiếp nối thành công của 3 lần tổ chức vào các năm 2016, 2017, 2018.
Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày Nay/Dân Việt, Phó Ban Thường trực Ban tổ chức Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” cho biết: “Năm 2016 lần đầu tiên được tổ chức, Diễn đàn Nông dân quốc gia với chủ đề “Nông dân toàn cầu - Từ tư duy đến hành động” đã nhận được sự đánh giá cao từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là hội viên, nông dân cả nước. Năm 2017, lần thứ 2 được tổ chức, Diễn đàn có chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” và lần thứ 3 Diễn đàn có chủ đề “Khơi nguồn nông sản Việt”.
Lần thứ 4, Diễn đàn có chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA- Cùng nông dân đi chợ thế giới” kỳ vọng các nhà quản lý-hoạch định chính sách, nhà khoa học, chuyên gia và nông dân sẽ thảo luận những vấn đề “nóng” trong bối cảnh Quốc hội đã phê chuẩn việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) vừa được Việt Nam và Ủy ban châu Âu ký kết.
“Những nội dung, thông tin gợi mở trong các phiên thảo luận tại Diễn đàn sẽ làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề khúc mắc, trăn trở, băn khoăn, thậm chí chưa hiểu của “Nông dân Việt Nam xuất sắc” về cơ hội, thách thức trong việc xuất khẩu nông sản ra thế giới, trong đó có thị trường châu Âu; cách thức liên kết sản xuất thế nào để đạt về số lượng, chất lượng nông sản phục vụ cho xuất khẩu…”- Ông Lưu Quang Định thông tin.
Các mô hình tiêu biểu của “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” - Người có nhiều đất sản xuất nhất: Ông Ngô Thành Đông (xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Hiện ông An có 300ha đất, trong đó trồng quế 146ha, còn lại là trồng các loại cây ăn quả, bưởi, chanh, cam, chuối. Doanh thu năm 2018 là 30 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng. - Người trồng nhiều cao su, mít Thái siêu sớm và bưởi da xanh nhất: Ông Phan Văn Thà (thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Ông Thà có 160ha đất sản xuất, trong đó cao su là 80ha, bưởi da xanh ruột hồng là 20ha, mít Thái siêu sớm là 60ha. Mô hình nuôi cá tra liên kết bền vững của “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” Ngô Văn Đậu (ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, An Giang). - Người có doanh thu cao nhất: Ông Nguyễn Hồng Cương (phường Quỳnh Di, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). Ông Cương sản xuất tôm giống, quy mô 19,5ha, doanh thu 50 tỷ đồng (2018). Ông cũng là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" tạo ra nhiều việc làm nhất với 55 lao động thường xuyên hưởng lương và 50-70 lao động thời vụ. - Người sở hữu hệ thống trang trại chăn nuôi gà đẻ hiện đại nhất, doanh thu chăn nuôi cao nhất: Ông Nguyễn Văn Công (xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Đến nay ông Công có tổng cộng 5 trại gà đẻ công nghệ Thái Lan, công nghệ Đức với tổng đàn gà đẻ hơn 60.000 con, ngoài ra còn 1 trại lợn, 1 trại vịt đẻ. Tổng doanh thu năm 2018 đạt tới hơn 24 tỷ đồng. - Người có quy mô sản lượng chăn nuôi gà công nghiệp lớn nhất: Bà Nguyễn Thị Lạc (xã Tam Thới Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Bình quân 1 năm bà Lạc nuôi 5 lứa gà công nghiệp, mỗi lứa 120.000 con, cả năm sản lượng là 600.000 con. - Người có tỷ suất lợi nhuận cao nhất: Ông Nguyễn Hữu Hà (xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Ông Hà trồng 12,5ha chanh tứ quý không hạt, lãi tỷ gần 5 đồng/năm. - Người trồng nhiều khoai lang đặc sản nhất: Ông Nguyễn Trình (xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai). Hiện ông Trình có 40ha canh tác, trong đó có 35ha trồng khoai lang đặc sản Lệ Cần. - Người nuôi nhiều trâu nhất: Bà Tô Thị Bắc (xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). Hiện bà Bắc nuôi đàn trâu 50 con và đàn lợn nái 50 con, đàn thỏ nái 150 con... - Người nuôi nhiều cừu nhất: Ông Đạo Thanh Thích (dân tộc Chăm), xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Hiện ông Thích đang nuôi đàn cừu 150 con và đàn bò sinh sản 60 con. Nguyễn Công (tổng hợp) |