Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Cà Mau Trần Tiến Dũng cho biết: “Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thì trong tháng 2 này và tháng 3 vẫn còn xuất hiện những cơn mưa trái mùa và vào tháng 4 xuất hiện cơn mưa chuyển mùa”.
Những cơn mưa trái mùa, chuyển mùa sẽ làm rửa trôi lượng phèn cũng như những chất dơ bẩn, cặn bã hữu cơ từ trên bờ xuống ao nuôi, làm phân tầng độ mặn, nhiệt độ và hàm lượng oxy hòa tan trong nước gây biến động môi trường. Trong đó, các yếu tố như: pH, khí độc H2S, NH3 sẽ biến động mạnh và đây cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tốm nuôi, làm giảm năng suất.
Nông dân xã Tạ An Khương đo chỉ số môi trường ao nuôi. |
Tại Cà Mau từ đầu năm đến nay đã xảy ra những cơn mưa lớn và đến thời điểm này theo báo cáo của Sở NNPTNT Cà Mau thì diện tích tôm nuôi bị bệnh ở loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) là 48,5ha, ở loại hình nuôi quảng canh, diện tích tôm nuôi bị bệnh là 1.870ha, thiệt hại năng suất từ 25 - 40%.
Để đảm bảo môi trường ao nuôi thuận lợi cho tôm phát triển trước những cơn mưa trái vụ thì người nuôi tôm cần phải có kế hoạch dự trữ các loại vôi, thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học để ổn định môi trường. Bón vôi xung quanh bờ ao và xả bỏ tầng nước mặt trước những cơn mưa lớn, tăng cường chạy quạt để tránh sự phân tầng nước, nhiệt độ và bón vôi sau những cơn mưa để cung cấp canxi cho tôm…
Cần bổ sung dinh dưỡng, kháng chất cho tôm nuôi đúng quy trình kỹ thuật để chống chịu lại thời tiết bất thường. Việc thường xuyên kiểm tra ao, đầm nuôi sẽ kịp thời phát hiện những diễn biến mầm bệnh xảy ra, nhất là vào những ngày mưa to kéo dài, nhiệt độ thấp, thủy triều dâng cao, hạn chế sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào vuông nuôi.
Cần liên kết với cán bộ khuyến nông cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời tránh thiệt hại xảy ra trên tôm nuôi. Đồng thời, người nuôi tôm cần quan tâm theo dõi những bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn để có thể chủ động hơn trong việc ứng phó với cơn mưa trái mùa.
Hồng Thảo