Dân Việt

Lạc vào “Hạnh phúc nhỏ trên tầng áp mái” của họa sĩ Đinh Văn Sơn

M.T 02/10/2019 17:40 GMT+7
“Vẽ về nỗi đau, bi kịch, đổ vỡ thì dễ vì càng quằn quại càng tốt, nhưng vẽ về hạnh phúc rất khó” – họa sĩ Đinh Văn Sơn  chia sẻ. Nhưng chính cuộc sống bình dị, tối giản cùng tình cảm thăng hoa với người vợ trẻ đã khiến 72 tác phẩm của anh phảng phất nét hài hòa hạnh phúc.

Trải qua ba năm miệt mài sáng tạo (2017-2019), họa  sĩ  Đinh Văn Sơn  thử nghiệm trên nhiều chất liệu, từ sơn mài, tranh sơn dầu, tượng gốm, sơn mài trên gốm, sơn mài trên điêu khắc…, để hôm nay ra mắt bộ sưu tập 72 tác phẩm có chung chủ đề “Hạnh phúc nhỏ trên tầng áp mái”.

Triển lãm “Hạnh phúc  nhỏ trên tầng áp mái” của Đinh Văn Sơn diễn ra từ 2-13/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

img

Tranh của Đinh Văn Sơn gợi lên nhiều suy ngẫm trước hạnh phúc và góc nhìn của mỗi người.

Đập vào mắt người xem ở chính giữa gian triển lãm là bức tượng “Con người”, lấy cảm hứng cùng  lúc với  bức tranh “Con người”.

Nói về bộ tác phẩm “Con người”, họa sĩ Đinh Văn Sơn cho biết: “Con người” có kích cỡ tương đương người thật (cao hơn 1m72), được sáng tạo kết hợp sơn mài trên gốm. Tác giả muốn thể hiện sự thành thật với chính mình, chân thành với tình yêu.

img

img

Họa sĩ  bên bức tượng Con người.

“Sáng tác tượng chất liệu gốm đã là cả một quá trình, phải làm phác thảo, thử trên phác thảo xong mới tiến hành làm bản thật, vận chuyển tượng đi Đồng Nai để đưa vào lò nung. Sau đó tượng về mới sáng tạo đến phần sơn mài trên gốm. Phải ủ từng lớp sơn, tôi phải đóng kín cửa phòng, mua một máy sưởi bật lên để trong phòng, đổ nước xuống sàn, mỗi lần ủ chừng hai tuần, khô hết lớp sơn này mới đến lớp sơn kia, kéo dài khoảng một năm trời riêng công đoạn ủ sơn mài cho tác phẩm” – hoạ sĩ kể.

Đi cùng với tác phẩm tượng cỡ lớn này là tác phẩm tranh treo tường sơn mài cùng tên. Tác phẩm sơn mài “Con người” (đoạt Giải Ba Biennale Mỹ thuật trẻ Sài Gòn 2019) có kích cỡ lớn (1,2mx1,6m) chứa đựng khá nhiều “câu chuyện” trong một nhân vật trung tâm có tên là “Con người”.

Trên vai của nhân vật chính nâng đỡ một mặt trời. Nhưng trong cái bụng khổng lồ của con người thì chứa “cả thế giới”.

Sơn nói: “Trong bụng của nhân vật con người này chứa tất cả mọi thứ, cả đồ ăn, thức uống, cả những mong muốn, khát khao… Đó là nội tâm bên trong chúng ta. Tôi nghĩ, đã là con  người hãy thành thật với bản thân mình, thừa nhận cả hai mặt đối lập, và cố gắng tìm cách cân bằng giữa phần con và phần người”.

Rất nhiều tác phẩm của Đinh Văn Sơn được sáng tác theo từng cặp ý tưởng như thế.

Bộ 72 tác phẩm nhiều thể loại đều là những câu chuyện rất đỗi giản dị, đời thường, đưa người xem lạc vào thế giới cổ tích và thần thoại, với những câu chuyện “nghìn lẻ một đêm” kể mãi không hết.

“Ngàn lẻ một đêm” được hoạ sĩ say sưa kể về sự tận hưởng không gian xa vời, biệt lập, có hai con người tự nâng mình lên thành “đế vương” theo cách hoà nhập với thiên nhiên trên tầng áp mái của cặp đôi hạnh phúc.

“Nàng tự do”, “Câu chuyện tháng giêng” thể hiện sự bay bổng tự do thoát khỏi cuộc sống thường nhật, cõi sâu kín ở trong tâm hồn mỗi người.

img

Chợ tình.

“Chợ tình” không phải của những cặp đôi mà là những cặpngựa trên đỉnh núi Bắc Hà (Lào Cai), trong đó nắng mưa gió được gom hết lại trong chiếc dù, che chở để đôi “tình nhân” ngựa yêu nhau.

Rồi những “Sen vui”, “Hạnh phúc xanh”…  đều nhẹ nhõm, thanh thoát.

Trên mặt các nhân vật trong tranh Sơn cũng hay có các ô vuông ở khu vực dưới mắt. Đối với Sơn, đó là biểu tượng của góc nhìn riêng, quan điểm của mỗi người về cuộc sống.

Bức “Con ngựa đỏ” cho thấy từ góc nhìn của mỗi người về cùng một thứ sẽ rất khác nhau. Hạnh phúc của người này trong mắt một người khác có vẻ như lúc nào cũng long lanh, rực rỡ. Nhưng đối với người trong cuộc, chẳng khác nào con ngựa giấy. “Nếu không biết cách và luôn phải nỗ lực tìm cách đổi mới thì sẽ chẳng có hạnh phúc nào bền lâu, thậm chí hạnh phúc còn có thể biến đổi thành những thói quen rất khó chịu” – họa sĩ nói.