Kim cương là thứ có giá trị, ai cũng muốn tìm được hoặc nhặt được để có thể trở nên giàu có. Nhưng ở thị trấn này, kim cương bé tí tẹo phủ khắp nơi nhưng không ai nhặt.
Nördlingen là một thị trấn cổ kính ở vùng Bavaria, Đức. Ở đây có nhà thờ, hàng trăm ngôi nhà với mái đỏ... nhưng điều đặc biệt là nhiều công trình đều được phủ hàng triệu viên kim cương nhỏ.
Những viên kim cương này được tạo ra sau khi một tiểu hành tinh rơi xuống khu vực Bavaria khoảng 15 triệu năm trước.
Sau cú va chạm này, nó để lại một hố lớn mà ngày nay thị trấn Nördlingen nằm ở trên. Sự việc cũng tạo ra một loại đá có tên suevite.
Đá này có chứa các hạt thủy tinh, pha lê và kim cương. Nguyên nhân do tiểu hành tinh di chuyển với tốc độ 25km/giây, chiều rộng của nó là 1km, cú va đập lớn với mặt đất tạo sức nóng lớn, áp lực dữ dội của carbon bên trong biển đổi thành các viên kim cương siêu nhỏ.
Đến năm 898 sau công nguyên, những người đầu tiên đến định cư ở đây. Họ xây nhà thờ bằng đá suevite chứa khoảng 5000 carat kim cương.
Tuy nhiên, các hạt kim cương này rất nhỏ, lớn nhất chỉ là 0,3mm nên chỉ có giá trị khoa học.
Ban đầu, những người dân sống ở đây không hề hay biết những tảng đá suevite họ dùng xây dựng thị trấn có chứa các hạt kim cương nhỏ.
Cho đến những năm 1960, nhà địa chất học Keith Shoemaker xác nhận, hố lớn mà thị trấn tọa lạc ở trên là kết quả của vụ va chạm của một tiểu hành tinh.
Sau đó 10 năm, các nhà khoa học phân tích đá và phát hiện các hạt kim cương.
Điều khác biệt là các hạt kim cương bé tẹo có khắp thị trấn như vậy nhưng không ai lấy trộm hay đưa về nhà.
Ước tính nơi đây có đến 72.000 tấn kim cương đươc tạo nên từ các hạt kim cương rất nhỏ trong thị trấn.
Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây để chiêm ngưỡng thị trấn nổi tiếng này.