Dân Việt

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Biến bệnh viện thành DN là vô cùng nguy hiểm

Lương Kết 03/10/2019 12:42 GMT+7
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, không nên doanh nghiệp hóa bệnh viện công, nếu biến bệnh viện công thành doanh nghiệp là một sai lầm nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm.

img

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (ảnh IT).

Sáng nay, (3.10), tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.

Phát biểu tại phiên giải trình này, PGS –TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt –Đức, hiện là Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đã có ý kiến rất đáng chú ý. Ông cho biết, Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu của ngành Y tế, chúng ta cần phải bám chặt vào mục tiêu để thực hiện những chính sách cho phù hợp, nếu không sẽ còn bất cập.

“Việc chúng ta đi theo đường lối hiện nay là tự chủ bệnh viện, Nhà nước cho cơ chế, người dân tự chi trả thông qua bảo hiểm là rất hợp lý, rất đúng đắn”, PGS –TS Quyết nói và đề nghị Nhà nước khi thực hiện chính sách tự chủ không bao giờ được cổ phần hóa bệnh viện công.

“Chúng ta cổ phần hóa bệnh viện công thì lâm ngay vào vấn đề của Trung Quốc hiện nay đang mắc phải và họ đang sửa. Không bao giờ đưa luật doanh nghiệp vào áp dụng cho y tế, vì vấn đề y tế còn liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội”, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt –Đức nói.

Vẫn theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, liên quan đến tự chủ bệnh viện công, cơ chế chính sách còn những bất cập vì còn quy định chung chung, ai hiểu thế nào cũng được. “Nếu không cẩn thận thì nhiều người đang làm hiện nay là đúng nhưng thời gian sau lại là sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính vì thế cần có những quy định rất chi tiết, rạch ròi đối với bệnh viện công khi thực hiện tự chủ”, ông nói.

Cũng nói về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nêu quan điểm: Không nên doanh nghiệp hóa bệnh viện công, việc biến bệnh viện công thành doanh nghiệp là một sai lầm nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết, qua chất vấn ông muốn hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế là vai trò quản lý nhà nước của Bộ, tức là người chỉ đạo của ngành trong vấn đề tự chủ bệnh viện công, chứ không phải tự chủ bệnh viện công là mang con bỏ chợ, kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu.

“Hiện nhu cầu khám chữa bệnh của người dân hoàn toàn khác, vậy chính sách như thế nào? Một là có hay không có vấn đề hỗ trợ ngân sách nhà nước vào một số vấn đề của bệnh viện công, ngành Y tế có đề xuất hay không, tôi cho rằng phải có; thứ hai phải hiểu thế nào là xã hội hóa, không phải xã hội hóa là xây bệnh viện tổ chức khám chữa bệnh, xã hội hóa là huy động các nguồn lực. Tăng cường ban hành chính sách khuyến khích xã hội tham gia xây dựng bệnh viện, tặng bệnh viện, tặng máy móc, thiết bị…Để đảm bảo cho các bệnh viện công thực hiện được vấn đề tự chủ thì không chỉ dựa vào phần bệnh viện thu được mà Nhà nước còn phải tiếp tục hỗ trợ nếu thấy cần thiết. Vấn đề này cần có sự thống nhất giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu cho Chính phủ, cho Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội một số chính sách liên quan”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.

Trước đó khi trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu những điểm tích cực khi thực hiện tự chủ bệnh viện công, đồng thời nêu những khó khăn trong thực hiện tự chủ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trước hết là, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố và giữa các tuyến. Việc cho phép các đơn vị tự chủ về tài chính, được thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành thì có thể dẫn đến đơn vị sẽ giải thể hoặc không phát triển các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, chỉ tập trung phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu, trong khi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.

Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế huyện, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng... cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động; dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định. Việc tạm ứng, thanh toán BHYT còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT…