Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Giải báo chí
Đã là năm thứ 7 ông tham gia với tư cách đại diện Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) tổ chức Giải báo chí quốc gia Tự hào NDVN, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình không, thưa ông?
- Hội Nhà báo Việt Nam rất vui mừng khi được phối hợp cùng Hội NDVN tổ chức Giải báo chí Tự hào NDVN mà trực tiếp là Báo NTNN tổ chức từ nhiều năm nay. Đây là giải báo chí ngày càng có sức lan tỏa trong giới báo chí và dư luận xã hội. Và mỗi năm từ cuộc thi này, chúng ta đã đóng góp thêm cho làng báo rất nhiều tác phẩm xuất sắc thể hiện phong phú ở nhiều loại hình báo chí khác nhau: Báo in, báo điện tử… nhằm tôn vinh những gương nông dân điển hình tiên tiến có sáng kiến, mô hình hay, từ đó góp phần xây dựng nông thôn của chúng ta ngày càng phát triển.
Các tác phẩm báo chí được trao giải năm nay thực sự đã khắc họa được những tấm gương điển hình tiên tiến là nông dân. Những người luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng để làm giàu bằng chính công sức và trên mảnh đất, đồng ruộng của mình. Cũng từ đây, những mô hình hay, những việc làm tốt đã nhanh chóng được lan tỏa ra cộng đồng.
Điều đáng nói, bên cạnh việc khắc họa thành công những chân dung nông dân giỏi, thì các tác phẩm báo chí đoạt giải còn ghi nhận và thể hiện rõ nét sức sáng tạo của các nhà báo. Ở đây, chúng ta vừa tôn vinh nông dân, vừa tôn vinh các nhà báo - theo tôi đây mới chính là ý nghĩa tốt đẹp, cao cả nhất mà giải báo chí Tự hào NDVN hướng tới.
Là Trưởng ban Tổ chức, ông đánh giá thế nào về những nét mới của Giải báo chí Tự hào NDVN năm nay?
- Bên cạnh những gương nông dân điển hình, chủ doanh nghiệp là nông dân năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường… nét mới của Giải báo chí Tự hào NDVN 2018 - 2019 là nhiều bài viết có tính phát hiện cao, giới thiệu những mô hình sản xuất hiệu quả mà ở đó vai trò của mối liên kết giữa các nhà được thể hiện rõ như tác phẩm: Hồi sinh những cánh đồng chết (Bảo Hân - Trần Thường); HTX đất thép chơi lớn, xây nhà máy tiền tỷ (Thanh Nguyễn)…
Các bài viết cũng tập trung đi sâu vào hành trình lập nghiệp gian nan nhưng cũng rất thú vị của các nông dân thế hệ mới, không chỉ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, họ còn ứng dụng công nghệ để mang nông sản của mình bán trên “chợ ảo” như tác phẩm: Ông Năm Hiền trồng xoài bán cho… nguyên thủ (Lê Nguyễn), Những nhà nông đổi vận nhờ công nghệ (Chiến Thành)…
Đặc biệt, giải báo chí năm nay xuất hiện các chân dung doanh nghiệp, doanh nhân nông dân hết lòng vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, đi lên từ cây lúa, củ khoai nhưng góp phần làm thay đổi diện mạo sản xuất của nhiều địa phương: 3 hạt lạc, 11 khóm lúa, chuyện đời của CEO Trần Mạnh Báo (Tố Loan - Nguyễn Luyên), Người phụ nữ nặng lòng với hạt gạo Việt (Nguyễn Kiểm)…
Một nét mới nữa là, vấn đề bảo vệ môi trường, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới được phản ánh khá phong phú qua nhiều tác phẩm, cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề cấp bách này đã được cải thiện rõ rệt. Có một bản vùng cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng quyết nói không với túi nylon, nỗ lực làm du lịch sinh thái; có những nông dân nỗ lực trồng rừng (Bản Mông lạ lùng bên đỉnh Sơn Bạc Mây (Hà Thanh) - Nam Trần; A Sáy vá rừng pơmu - Thuận Thành hay Trồng rừng đổi vàng - Xuân Tuấn).
Rồi cách thức thể hiện của bài thi năm nay cũng vô cùng phong phú, được thể hiện theo cách mới như Longform, Mega Story, Emagazine có kết hợp các video sinh động, hấp dẫn… Đây là phong cách báo chí hiện đại, cách trình bày có điểm nhấn, ấn tượng, tạo sự hấp dẫn ngay từ đầu với người xem. Văn phong của các tác giả vừa có sự sắc sảo, gãy gọn của một nhà báo, vừa thể hiện chất thơ, cảm xúc của mỗi tác giả dành cho nhân vật.
Ông đánh giá như thế nào về chuỗi các chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Báo NTNN tổ chức với rất nhiều hoạt động đa dạng để tôn vinh các NDVN xuất sắc?
- Có thể nói đây là chuỗi hoạt động hết sức sôi nổi, gây ảnh hưởng lớn trong dư luận xã hội. Chúng ta đều biết 63 nông dân đại diện cho 63 tỉnh, thành nghĩa là mỗi địa phương chỉ được lựa chọn 1 người. Chính sự cặn kẽ này đã tạo thêm không khí hứng khởi trong phong trào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Chúng ta đều biết, vấn đề “tam nông” (nông nghiệp – nông dân – nông thôn) là chiến lược rất lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó nông dân bao giờ cũng ở vị trí trung tâm, vị trí hết sức quan trọng, do đó một chuỗi các hoạt động trên đã góp phần tôn vinh những người nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước...
Với những ý nghĩa tốt đẹp trên, tôi rất mong muốn chuỗi hoạt động này sẽ tiếp tục nối dài, sẽ là đại sứ để phát hiện, tìm tòi thêm được nhiều tấm gương, điển hình nông dân xuất sắc hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!