Dân Việt

Cúm gia cầm lan rộng: Người chăn nuôi rơi nước mắt

17/02/2012 11:04 GMT+7
(Dân Việt) - Tính đến ngày 15.2, cả nước đã có 10 tỉnh công bố có ổ dịch cúm H5N1. Gà, vịt chết hàng loạt khiến bao công sức, tiền của của người nông dân mất trắng. Đã vậy, việc phòng, chống dịch ở địa phương còn nhiều bất cập.

Bỗng chốc tay trắng

Từ ngày 7.2, tại xã Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xuất hiện tình trạng gà, vịt chết rải rác, sau đó có trên 500 con vịt của 4 hộ chăn nuôi ốm chết. Tiếp đó, ngày 10.2, tại nhiều hộ chăn nuôi ở xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) cũng có hàng nghìn con gà, vịt chết do dịch cúm. Chiều 14.2, PV NTNN về xã Cẩm Duệ ghi nhận về tình hình dịch tại địa phương.

img
Anh Phan Văn Hải đang lo mất trắng đàn gia cầm.

Anh Bùi Quang Thuận - một hộ chăn nuôi bị tiêu huỷ hàng trăm gia cầm do dịch cúm nói trong nước mắt: “Sau hơn một năm dồn tiền và công sức đầu tư chăn nuôi, bây giờ đổ xuống sông xuống biển cả rồi. Cách đây hai hôm, trong trang trại còn 600 con vịt đẻ, 200 con gà, 100 con ngan bỗng dưng chúng ủ rũ, rồi lăn đùng ra chết”. “Để đầu tư cho vụ chăn nuôi này, hai vợ chồng đã cắm sổ đi vay ngân hàng trên 100 triệu đồng, bây giờ còng lưng trả lãi”- anh Thuận sụt sùi.

Tại tỉnh Hà Nam, dịch cúm gia cầm cũng đang làm nhiều hộ chăn nuôi trắng tay. Mặc dù đã tiêu hủy vịt vài ngày nay, nhưng nét buồn rầu vẫn hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của ông Nguyễn Văn Dương ở thôn 11, xã Nhật Tân (huyện Kim Bảng).

Ông Dương kể: “Tôi nuôi 2.400 con vịt và chúng bắt đầu chết từ đầu tháng. Lúc đầu chỉ lác đác vài con, gia đình nghĩ vịt bị tả nên mua thuốc về tiêm. Khoảng ngày 4 – 6.2, thấy vịt chết nhiều quá, khoảng 400 – 500 con/ngày, nên tôi vội báo cáo thú y cơ sở. Ngày 8.2, cán bộ xã, huyện xuống lấy mẫu đưa đi kiểm dịch, rồi họ lập biên bản tiêu hủy hơn 400 con còn sót lại. Với số vịt này, tôi mất khoảng 150 triệu đồng. Gia sản bao năm tích cóp của gia đình vậy là đi hết”.

Theo Cục Thú y, đến nay đã có 10 tỉnh, thành có dịch cúm, với số gia cầm phải tiêu huỷ lên tới gần 18.000 con, trong đó gà gần 4.000 con, vịt hơn 14.000 con... Thiệt hại của người nuôi gia cầm đã lên tới hàng tỷ đồng...

Gà, vịt qua chốt kiểm dịch

Ngay sau khi công bố dịch, Cục Thú y cũng đã chỉ đạo các chi cục tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy số gia cầm nhiễm bệnh, phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột… để ngăn dịch bệnh bùng phát, đồng thời thành lập các đoàn đi xuống cơ sở kiểm tra. Chỉ đạo là thế, nhưng hầu hết các địa phương có dịch, công tác kiểm dịch rất lỏng lẻo một phần do thiếu vaccin, một phần do chính quyền chủ quan.

Trên đường về UBND xã Nhật Tân (Kim Bảng - nơi là ổ dịch của Hà Nam), chúng tôi bắt gặp hơn chục chiếc xe máy chở hàng trăm lồng gà vẫn vi vu qua lại trên đường, ngang nhiên qua các chốt kiểm dịch. Chốt kiểm dịch trông rất chiếu lệ, chỉ có một cái cọc gắn mảnh giấy A4 ghi dòng chữ “Chốt kiểm dịch động vật”, nhưng trong 5 chốt thì duy nhất 1 chốt có người túc trực.

Hẹn làm việc với lãnh đạo xã Nhật Tân, nhưng sáng 15.2 cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên trong Ban Kiểm dịch đều vắng mặt. Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Quang Tình – Chủ tịch UBND xã Nhật Tân lý giải: “Tôi bận việc riêng, nên đã chỉ đạo cán bộ thay nhau trực tại các chốt, đồng thời thông báo tới tất cả người dân không được mua, bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trong thời gian này. Chắc lúc anh em đi “ăn sáng”, nên một số người dân “tranh thủ” vận chuyển gà, vịt qua”.

Ông Văn Đăng Kỳ cho biết, Cục đang kiến nghị xin thêm kinh phí để mua vaccin tiêm cho một số tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội.

Tuy nhiên, khoảng 9 giờ 30, chúng tôi tiếp tục bắt gặp 4 xe chở gà phóng qua chốt kiểm dịch. Tình trạng này, qua khảo sát của chúng tôi, vẫn đang xảy ra phổ biến ở các tỉnh có dịch.

Ngoài sự lơ là, coi thường dịch cúm, một nỗi lo thiếu vaccin phòng chống dịch vẫn đang hiển hiện, địa phương nào cũng kêu thiếu. Tuy nhiên, ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ Thú y (Cục Thú y, Bộ NNPTNT) lại khẳng định: Hiện mới chỉ có đàn gia cầm, gia súc 13 tỉnh đồng bằng Nam Bộ được tiêm vaccin cúm H5N1 và lở mồm long móng, với số lượng 50 triệu liều.

“Năm nay, Cục đã mua thêm 50 triệu liều và 10 triệu liều dư năm trước để tiêm trong đợt 1 và 50 triệu liều trong đợt 2. Với lượng vaccin này hoàn toàn đủ để tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm” - ông Kỳ nói.