Dân Việt

Thời đại 4.0: Nhà hàng thu lợi nhuận khủng nhờ kinh doanh qua “app”

Hà Kiều 05/10/2019 04:55 GMT+7
Thời đại 4.0, các ứng dụng giao đồ ăn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự tiện dụng. Song song đó, nhiều chuỗi nhà hàng cũng tối ưu được nguồn lực và thu lợi nhuận khủng nhờ dòng chảy công nghệ mới này.

Doanh thu tăng gấp 2, 3 lần nhờ kinh doanh qua “app”

Khoảng một năm trở lại đây, cảnh tượng dòng người xếp hàng dài chờ mua đồ ăn mang đi giao tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh đã không còn xa lạ. Sự bắt tay giữa ứng dụng (“app”) gọi đồ ăn và cửa hàng đã mang đến lợi ích cho cả bốn bên: tài xế có thêm thu nhập, khách hàng có sự tiện lợi, nhà hàng và nhà cung cấp nền tảng tăng doanh thu.

img

Kinh doanh qua “app” thu lợi nhuận khủng

Nhiều chủ nhà hàng ăn uống, trà sữa cho biết, nhờ kinh doanh qua các ứng dụng, doanh thu trung bình mỗi tháng tăng lên đáng kể. Theo đó, phần lớn doanh thu các cơ sở kinh doanh tăng trưởng hai con số, thậm chí có nơi tăng trưởng tới 300% doanh thu.

Trao đổi với anh Kiều Quốc Khánh, chủ hai quán trà sữa tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), anh cho biết, cách đây 1 năm anh bắt đầu kinh doanh trà sữa. Đối với cơ sở kinh doanh đầu tiên, vị trí quán và mặt bằng khá đẹp nên lượng khách tự nhiên của anh tương đối lớn. Tuy nhiên, anh vẫn đăng ký bán trên các “app” như GrabFood, GoViet, Now và các “app” quảng cáo như Jamja, Meete… Không ngờ, số lượng đơn hàng các “app” mang lại khá lớn, giúp tăng doanh thu gấp 2 lần. Thế nên, 6 tháng gần đây anh quyết định mở thêm quán trà sữa thứ 2 chủ yếu bán hàng qua “app”.

img

Anh Kiều Quốc Khánh mở thêm quán trà sữa thứ 2 chủ yếu bán hàng qua “app”

Theo anh Khánh, vì cơ sở thứ 2 của anh chủ yếu là bán hàng qua “app” nên mặt bằng và diện tích không cần “đẹp” như cửa hàng đầu tiên. Quán của anh khá nhỏ, chỉ có sức chứa khoảng 5 – 10 khách nhưng hiệu quả kinh doanh không kém gì với quán đầu tiên. Theo đó, mỗi ngày trung bình anh bán khoảng 150 đơn hàng qua “app”, chiếm 60% - 70% doanh thu toàn cửa hàng.

Về chi phí “lên app”, anh Khánh cho biết, với các “app” như Now, GoViet, GrabFood, anh trả lại 15% doanh thu từ các đơn đặt hàng qua các “app” này. Đối với các “app” khác, chi phí khoảng 2.000 đồng/cốc trà sữa. Tính ra, một tháng anh mất khoảng 150 triệu đồng cho các nhà cung cấp nền tảng ứng dụng giao đồ ăn.

Lợi bất cập hại

Cũng giống như anh Khánh, anh Nguyễn Hà Giang, chủ quán cơm tấm sườn trên đường Kim Mã (Hà Nội) cho biết, nhờ bán hàng qua “app” mà doanh thu quán cơm của anh tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, anh không mất chi phí nào cho các “app”. Bởi quán cơm của anh đã mở từ lâu, được nhiều người biết đến nên khi các nền tảng ứng dụng giao đồ ăn ra đời thì đến tận cửa hàng mời anh tham gia.

Doanh thu tăng cao là vậy, nhưng anh Giang lại không hài lòng với việc các nhà hàng, quán ăn đổ xô kinh doanh qua “app”. Bản thân anh cũng dự định sắp tới sẽ dừng bán hàng qua “app”.

Theo anh Giang, việc những hàng dài shipper đứng trước và trong cửa hàng chờ nhận đồ ăn rất gây phản cảm với khách hàng đến ăn tại nhà hàng. Chưa kể đến việc shipper thái độ với nhân viên, thậm chí có cả trường hợp shipper xô xát gây sự với nhân viên quán… khiến khách đến ăn tại nhà hàng rất khó chịu.

img

Hàng dài shipper đứng chờ nhận đồ ăn khiến khách hàng tại quán khó chịu

Bên cạnh đó, vì anh không chịu mất chi phí “lên app”, nên các menu đồ ăn của anh trên các app đều tăng giá 15%, điều này không đồng nhất với giá bán tại quán, gây mất uy tín với khách hàng.

Ngoài ra, đa phần khách của các ứng dụng giao đồ ăn chỉ chăm chăm tìm mua ở các nhà hàng có khuyến mại cao mà không cần biết chất lượng đến đâu, thế nên lượng khách của nhà hàng anh từ các “app” chủ yếu là khách vãng lai, số lượng khách thông qua “app” tìm đến ăn tại cửa hàng là rất thấp.

“Bán hàng qua “app” đúng là rất lợi, giúp tối ưu nguồn lực và tăng gấp đôi doanh thu. Tuy nhiên, với tình trạng các hàng quán đổ xô “lên app” thì lợi bất cập hại. Một là tạo cho khách hàng thói quen ít khi ra nhà hàng ăn, ham rẻ mà đặt hàng không biết chất lượng thế nào. Hai là chi phí để duy trì quảng cáo trên các “app” khá lớn. Đối với các chuỗi lớn có thương hiệu thì có hiệu quả, còn với các nhà hàng nhỏ thì khoản chi phí này cũng là một “gánh nặng”, anh Giang cho biết.

Những ý tưởng làm giàu chỉ nhờ… ô nhiễm trên thế giới

Những ý tưởng này không chỉ mang lại cơ hội làm giàu mà còn giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về sức khỏe.