Dân Việt

“Bê tông hóa” phá nát di sản

Nhật Lệ 07/10/2019 06:03 GMT+7
Mấy ngày qua, loạt bài phát hiện của Báo NTNN/Dân Việt về nhà hàng xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), phá nát danh thắng quốc gia đã gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, không riêng gì ở Hà Giang, hàng loạt di sản thiên nhiên khác trên cả nước cũng từng bị “bức tử” vì lợi nhuận, lòng tham và sự coi thường pháp luật.

Di sản khắp nơi bị tàn phá

Đèo Mã Pì Lèng không chỉ là danh thắng quốc gia mà còn nằm trong Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO công nhận năm 2016. Việc xây tòa nhà bê tông 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng đã làm  phá vỡ cảnh quan và vùng đệm của di sản, một địa danh “Đệ nhất hùng quan, một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam”. Hiện nhiều kiến trúc sư, nhà quản lý di sản cho rằng nên tháo dỡ công trình gai mắt này, hoặc nếu không, Nhà nước thu hồi dự án này để cải tạo lại cho phù  hợp với cảnh quan xung quanh, hòa hợp với thiên nhiên.

Không riêng gì Mã Pí Lèng, mới đây, di tích lầu Bảo Đại  (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cũng từng kêu cứu vì bị doanh nghiệp phá nát làm resort 5 sao. Tại đây, nhiều biệt thự đang xuống cấp nghiêm trọng vì chưa có biện pháp bảo tồn, trong khi đó, tỉnh giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án khu du lịch  nghỉ dưỡng 5 sao.

Cụ thể, tháng 8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 13,6ha đất, gồm toàn bộ khu di tích lầu Bảo Đại và mặt nước danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang cho Công ty CP đầu tư Khánh Hà xây khu nghỉ dưỡng cao cấp với 36 căn biệt thự, 5 căn biệt thự cổ hiện hữu được cải tạo, thay đổi công năng. Sau khi được giao dự án, Công ty này đã cho máy móc cạo trọc cả ngọn núi Cảnh Long để xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... Sau 5 năm thi công, khu di tích lầu Bảo Đại từ một ngọn núi xanh mát trở nên trụi trơ, bê tông hóa.

Vào năm 2017, khi dư luận lên tiếng về việc di tích lầu Bảo Đại bị doanh nghiệp phá nát, UBND tỉnh Khánh Hòa mới yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết dự án, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi tiếp tục thực hiện. Hiện công ty đã tạm ngừng thi công tất cả các hạng mục.

img

Khu di tích Bảo Đại (Nha Trang) bị phá nát vì công trình resort 5 sao.

Tại Đà Lạt, một số di sản cũng bị phá nát. Ngoài các khu du lịch hồ Than Thở, thác Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, các danh thắng như ga xe lửa Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm, dinh Bảo Đại cũng đang bị xâm hại. Nhiều danh thắng bị người dân lấn chiếm: Khu di tích dinh Bảo Đại bị lấn chiếm hơn 10ha, khu du lịch thác Prenn bị lấn chiếm 14ha, thác Cam Ly bị lấn chiếm hơn 34ha. Mới đây, Đà Lạt dự định quy hoạch khu Hòa Bình nhưng đã bị các nhà kiến trúc, quy hoạch đô thị phản ứng và cảnh báo cảnh quan, di tích bị phá vỡ sẽ biến Đà Lạt thành một thành phố bị bê tông hóa, vô hồn.

Ở Huế, một số di tích được trùng tu cũng bị xâm hại, phá vỡ các giá trị kiến trúc cũ. Còn ở TP.HCM, cả khu di tích lò gốm cổ Hưng Lợi 300 năm đã bị san phẳng một cách không thương tiếc, cho đến nay chưa có phản hồi của cơ quan chức năng xem ai chịu trách nhiệm và đền bù ra sao. Lò gốm Hưng Lợi được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia từ năm 1998, nhưng giờ đây không còn mấy dấu tích.

Cần điều chỉnh Luật Di sản

Mới đây, khu quận 3 có nhiều di sản ở TP.HCM được xem là 1 trong 50 khu phố hấp dẫn nhất thế giới, hay di sản Hội An được các báo bình  chọn là một trong những điểm đến hàng đầu của thế giới. Điều này cho thấy trong quá trình phát triển, chúng ta xem nhẹ việc bảo vệ di sản. Đây là điều rất đáng tiếc vì trên cả nước có nhiều địa phương có di sản giá trị.

img

Công trình không phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng - Panorama đã phá vỡ cảnh quan không gian nơi đây. (ảnh: Nguyễn Quý)

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, bảo vệ di sản rất quan trọng, không chỉ  lưu giữ giá trị lịch sử cho thế hệ sau, mang tính giáo dục, tính văn hóa (giới thiệu ra thế giới), mà còn mang cả giá trị du lịch.

“Nhìn lại công tác di sản, tôi thấy chúng ta còn thiếu nhiều cơ sở pháp lý để bảo vệ di sản hiệu quả. Từ những kẽ hở của cơ sở pháp lý đó, không ít nơi đã lợi dụng để làm sai, phá hoại di sản. Luật Di sản còn nhiều khiếm khuyết, cần sửa đổi hoặc bổ sung. Ví dụ như  việc bảo tồn di sản luôn đi đôi với sự phát triển, cần đưa vào hệ thống pháp lý để bảo vệ thật tốt. Luật Di sản chỉ tập trung bảo vệ công trình có di tích thôi, trong khi di sản thì không có nhiều công trình có di tích. Trong số lượng công trình di sản, trên 3/4 là công trình di sản có thể cải tạo, mở rộng, điều chỉnh, cần có sự đóng góp của giới chuyên môn, theo hướng cải tạo công năng nhưng phải bảo tồn cái hồn của di sản. Trách nhiệm của trung ương là sớm đưa ra những cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ di sản gắn liền với phát triển một cách  hợp lý. Mặt khác, các địa phương có di sản cũng không nên ngồi chờ (có thể kéo dài), mà đưa giải pháp cho bản thân địa phương để bảo vệ di sản, thông qua những quy định của địa phương”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Cũng theo ông, đi vào chi tiết, qua vụ đèo Mã Pí Lèng, ông thấy trong Luật Di sản phân ra vùng lõi 1, 2, nhưng quên mất vùng đệm cũng gây ảnh hưởng tới di sản, đây là thiếu sót của Luật Di sản. Bản thân khi đứng trong di sản mà nhìn thấy trực tiếp công trình này, thì đã gây ảnh hưởng không nhỏ. Cần gấp rút đưa ra tiêu chí về vùng đệm để tránh việc phá nát tầm nhìn của di sản. Vùng đệm này cũng phải được quy hoạch, có ý kiến của Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng…, không thể muốn làm gì thì làm.

Thứ hai, trường hợp biệt thự Bảo Đại, Luật Di sản nên bổ sung điều khoản nếu cải tạo công trình di sản thì phải tuân thủ những điều luật nào. Ví dụ không gian xanh cách ly khu vực mới và cũ để bảo vệ di sản, thứ hai là phong cách kiến trúc của công trình lân cận trong khu vực phải hài hòa về mặt vật liệu, màu sắc, mật độ, chiều cao. Thứ ba, phải thông qua hội đồng nghệ thuật về bảo tồn di sản để tạo sự hài hòa với môi trường xung quanh. Trên 3/4 công trình di sản trên toàn quốc nằm ở thể loại có thể cải tạo, mở rộng, chỉnh trang, nhưng ta lại không có cơ sở pháp lý nào cho việc hướng  dẫn làm việc này. Do đó, nếu không đập cái cũ thì người ta sẽ xây lấn át công trình mới, cái cũ và cái  mới không ăn nhập với nhau hay như cảnh quan thiên nhiên đẹp như Mã Pí Lèng mà người ta xây công trình 7 tầng thì không thể chấp nhận được.

Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, nhận định: “Đối với các công trình di sản cảnh quan, khi muốn làm gì phải tham khảo cơ quan chuyên môn. Còn nếu làm gì “đã rồi” mà tặc lưỡi cho qua thì nhiều di sản sẽ dần biến mất. Việc xử lý không nghiêm sẽ dẫn tới các di sản lần lượt biến mất, hoặc bị tổn hại, xâm hại. Nên căn cứ theo điều luật mà xử lý.

Tóm lại, một phần di sản ra đi hoặc bị xâm hại nhiều có lẽ do nhận thức di sản chưa được xếp hạng; còn nếu di sản đã được xếp hạng thì chưa quản lý chặt. Di sản thì không chỉ Nhà nước quản lý, mà có cả sự tham gia của cộng đồng, của người dân.

Ở đây nổi lên câu chuyện muốn bảo vệ tài sản của quốc gia thì đều phải căn cứ vào pháp luật. Việc chậm ban hành luật, ban hành luật sơ hở hoặc chậm điều chỉnh luật khiến cho những hành vi trong xã hội bị rối loạn. Thứ hai, có luật rồi nhưng lại không thi hành luật, giám sát chặt chẽ. Di sản đã mất rồi thì mất luôn, không thể khôi phục được. Và không có ngày hôm qua, thì làm sao có ngày hôm nay”.