Ông Muốc kể: Ngày trước, bản Khe Trăn nằm sâu trong rừng núi, bà con dân bản cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, nhưng chừ bà con sướng rồi, cũng nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đưa ra gần xã Phong Mỹ (năm 1992), cấp đất và hỗ trợ làm kinh tế.
Ông Muốc chăm sóc tiêu. |
Năm 1993, khi Dự án trồng rừng 327 về với địa phương và cây cao su lần đầu tiên xuất hiện trên đất Phong Mỹ, ông Muốc là người tiên phong xin làm. Bao nhiêu vốn liếng vay Ngân hàng NNPTNT, ông đầu tư cho cây cao su. Lần đầu tiên trồng thử loại cây này, ông không khỏi băn khoăn và lo lắng, nhất là sau 7 năm trồng, cao su vẫn không có mủ. “Lúc đó, tôi rất lo lắng và nghĩ sẽ chặt bỏ cao su. Nhưng đến tháng thứ 3 thì toàn bộ các cây cao su đều cho mủ với năng suất và phẩm chất khá cao. Tôi và bà con trong bản thấy cao su sẽ là chìa khóa giúp họ thoát nghèo”.
Năm 2002, được các dự án hỗ trợ vay vốn, sự giúp đỡ của Công ty 1.5 và cán bộ kiểm lâm xã hướng dẫn kỹ thuật, ông Muốc và bà con trong xã mở rộng diện tích trồng cao su. Tính trung bình mỗi hộ có khoảng 2ha cao su, mỗi ha cho thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Riêng gia đình ông Muốc đang sở hữu 6ha cao su đã cho thu hoạch, mỗi năm thu lãi hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có 15ha rừng trồng, 600 gốc tiêu, 200 cây dó trầm, bể nuôi cá trê lai. Giờ đây gia đình ông Muốc đã xây được ngôi nhà khang trang, sắm đầy đủ các trang thiết bị, tiện nghi sinh hoạt trong nhà, chu cấp cho 2 con đang học đại học.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông Muốc còn hiến gần 1.000m2 đất để xây nhà văn hóa cho thôn. Với những đóng góp của mình, ông Muốc được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Ông đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen gia đình văn hóa xuất sắc toàn quốc, được tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa, thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng, hộ SXKD giỏi... Bà con bản Khe Trăn bảo, ông Muốc là niềm tự hào của người dân ở bản.
Lê Giàu