Dân Việt

Điều trị dãn tĩnh mạch ở bệnh nhân xơ gan

27/02/2013 06:47 GMT+7
(Dân Việt) - Xơ gan là bệnh lý thường gặp trong các bệnh đường tiêu hóa ở nước ta. Bệnh nhân xơ gan thường tử vong do các biến chứng.

Một trong những biến chứng nặng, hay gặp và gây tử vong cao trong xơ gan là vỡ dãn tĩnh mạch thực quản do hậu quả của tăng áp lực tĩnh mạch cửa khi xơ gan tiến triển.

Khi bị dãn tĩnh mạch, chảy máu trong, bệnh nhân thường có biểu hiện lâm sàng là nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Nghiên cứu của khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện T.Ư Huế cho thấy, khi đã có xuất huyết do vỡ dãn tĩnh mạch thực quản, nếu không có phương pháp điều trị thích hợp thì nguy cơ xuất huyết tái phát có thể lên tới 60% trong 1-2 năm đầu, và tỷ lệ tử vong sau mỗi lần xuất huyết cũng tăng theo. Do đó, việc điều trị dự phòng là rất cần thiết.

img
Điều trị bệnh nhân xơ gan tại Bệnh viện Nội tiết.

Theo nhóm bác sĩ Trần Phạm Chí, Hoàng Trọng Thảng... (Bệnh viện T.Ư Huế), hiện có khá nhiều phương pháp điều trị hiện tượng trên, nhưng nhóm đã nghiên cứu hiệu quả phối hợp của 2 phương pháp Propranolol và thắt dãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su nội soi ở bệnh nhân xơ gan, tìm hiểu tác dụng phụ để tư vấn cho bệnh nhân.

Tham gia nghiên cứu có 106 bệnh nhân, chủ yếu là nam giới (phần lớn xơ gan do lạm dụng rượu, bia). Thực tế cho thấy, nếu chỉ điều trị bằng phương pháp Propranolol thì tác dụng phụ nhiều hơn (mệt, đau quặn bụng không rõ nguyên nhân, đau đầu tới mức phải dùng thuốc giảm đau, hạ huyết áp), số phải bỏ điều trị bằng phương pháp này lên tới 15-20%.

Sau thời gian theo dõi 6 tháng, các bác sĩ kết luận phối hợp cả 2 phương pháp Propranolol và thắt dãn tĩnh mạch thực quản là an toàn, ít tác dụng phụ. Tỷ lệ bệnh nhân tái phát sau điều trị thấp hơn nhóm chỉ điều trị bằng Propranolol. Điều đó có nghĩa bệnh nhân xơ gan sẽ có cơ hội sống cao hơn. Hiện nghiên cứu của nhóm đã được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, theo nhóm bác sĩ này, bệnh nhân xơ gan cần đề phòng dãn tĩnh mạch từ bước đầu tiên là kiêng tuyệt đối rượu bia. Khi bị dãn tĩnh mạch thì phần lớn đã bị suy gan nặng.

(Tổng hợp từ nghiên cứu của nhóm tác giả Bệnh viện T.Ư Huế)